Điều trị cho bệnh nhân mắc viêm tấy lan tỏa sàn miệng

Nếu không quan tâm đến sức khoẻ răng miệng, duy trì chế độ dinh dưỡng và kiểm soát tốt những bệnh mạn tính thì có thể sẽ mắc một số bệnh nguy hiểm như bệnh Phlegmon.
10/02/2024 15:13

Mới đây, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân nam, 56 tuổi, tiền sử đái tháo đường nhiều năm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sưng nề, ấn đau vùng cằm, bờ hàm dưới bên trái, vị trí răng 31, 32, 41 đau nhiều.

Bệnh nhân đã được khẩn trương làm xét nghiệm, chụp phim và được chẩn đoán viêm tấy lan tỏa sàn miệng (Phlegmon). Ngay sau đó, bệnh nhân đã được tiến hành mổ cấp cứu dẫn lưu dịch mủ, ca mổ diễn ra thuận lợi. Bệnh nhân được sử dụng phối hợp 2 kháng sinh, thay băng vết mổ hàng ngày trong 10 ngày. Khi vết mổ sạch, vết thương dưới cằm được khâu lại và bệnh nhân dự kiến được ra viện sau 5 ngày.

shutterstock-478544491-8430

Bệnh nhân mắc viêm tấy lan tỏa sàn miệng

Phlegmon sàn miệng hay viêm tấy lan tỏa sàn miệng là tình trạng viêm mô bào hoại tử lan rộng tại các khoang sàn miệng và vùng cổ mặt. Phần lớn nguồn gốc gây ra bởi các bệnh lý về răng, đặc biệt là răng hàm dưới. Một số khác khác xuất phát từ viêm nhiễm phần mềm như áp xe tuyến nước bọt hoặc các nhiễm trùng ngoài da. Vi khuẩn gây bệnh từ những ổ viêm tại chân răng, lan qua xương hàm vào vùng sàn miệng, rồi tiếp tục lan xuống các khoang vùng mặt cổ, thậm chí xuống vùng cổ ngực.

Bệnh tiến triển nhanh, ban đầu gây sưng nóng đỏ tại chỗ vùng sàn miệng dưới hàm kèm theo đau nhức và sốt cao, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân hoặc vỡ ổ mủ vào trung thất gây ảnh hưởng đến tính mạng. Tình trạng này thường gặp ở những người có yếu tố nguy cơ về răng miệng như vệ sinh răng miệng kém; sâu răng hoặc tiền sử điều trị nha khoa như nhổ răng, điều trị tủy răng. Đặc biệt người mắc các bệnh lý mạn tính, đặc biệt là đái tháo đường hoặc suy giảm miễn dịch là những đối tượng nguy cơ cao gặp viêm tấy lan tỏa sàn miệng.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, số lượng người bệnh nhập viện vì Phlegmon sàn miệng tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình lại đột ngột tăng lên.

Lý do nào giải thích cho hiện tượng này? Tết là thời gian gia đình, anh em sum vầy bên nhau sau quãng thời gian cả năm trời làm việc, học tập xa nhà. Những bữa tiệc tần suất dày đặc, với đầy ắp thức ăn, rượu bia hay nước ngọt chính là tác nhân phá hoại môi trường răng miệng. Niềm vui sum họp đôi khi có thể khiến chúng ta quên mất cả nhiệm vụ vệ sinh răng miệng sau ăn. Chính thức ăn dính kẽ răng không được vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn khoang miệng phát triển. Đặc biệt, với người bệnh đái tháo đường, thời điểm Tết thường chủ quan không kiểm soát tốt đường máu, tạo điều kiện cho nhiễm trùng cơ hội xuất hiện.

Vậy cần làm gì để vẫn có một cái Tết vui vầy cùng gia đình, bè bạn nhưng vẫn tránh xa được căn bệnh nguy hiểm này? Các bác sĩ đưa ra 4 lời khuyên:

Chế độ ăn: Hạn chế ăn quá nhiều hoặc ăn vặt, ăn quá nhiều bữa trong ngày. Giảm đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, nước có ga hay rượu bia và tăng thức ăn có nhiều chất xơ như rau củ.

Vệ sinh răng miệng thường xuyên sau mỗi bữa ăn: Nên đánh răng và vệ sinh kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa sau mỗi bữa ăn để đảm bảo loại bỏ thức ăn thừa dính kẽ.

Kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính như đái tháo đường: Cần theo dõi và kiểm soát tốt đường huyết, duy trì chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường. Đảm bảo vệ sinh cá nhân cả ngoài da lẫn trong khoang miệng.

Phát hiện và điều trị sớm: Nếu xuất hiện bất kì dấu hiệu viêm nhiễm nào của vùng hàm mặt, hoặc bất thường răng miệng, người dân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và điều trị sớm. Tránh những biến chứng không mong muốn do đến quá muộn.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer