Dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh gan mạn tính

Các trẻ có tình trạng tổn thương gan kéo dài trên 6 tháng là trẻ có bệnh gan mạn tính. Có nhiều bệnh lý gan mạn tính có thể ảnh hưởng tới trẻ em như: bệnh teo đường mật bẩm sinh, viêm gan virus mạn tính, bệnh thiếu hụt citrin, hội chứng Alagille, rối loạn chuyển hóa mật, bệnh Wilson, xơ gan…
08/05/2023 15:20

Dinh dưỡng có vai trò gì đối với trẻ có bệnh lý gan?

Suy dinh dưỡng là vấn đề phổ biến ở trẻ em mắc bệnh gan, đặc biệt là bệnh gan mạn tính. Suy dinh dưỡng gây chậm phát triển thể chất, tâm thần của trẻ. Dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ nhanh phục hồi bệnh cũng như đuổi kịp tăng trưởng sau khi lành bệnh.

Dinh-duong-cho-tre-bi-benh-gan_Anh-web

Một số trẻ suy gan tối cấp hay bệnh gan mạn giai đoạn cuối có chỉ định ghép gan, 60-80% trẻ có bệnh gan giai đoạn cuối có tình trạng suy dinh dưỡng từ mức độ trung bình đến nặng trước khi ghép gan. Suy dinh dưỡng trước ghép gan sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong sau ghép gan.

Dinh dưỡng cho trẻ có bệnh gan không chỉ có ý nghĩa phục hồi thể chất. Dinh dưỡng đúng cách còn có vai trò chữa bệnh trong một số bệnh lý gan mật như thiếu hụt Citrin bẩm sinh, Wilson, trong giai đoạn suy gan – hôn mê gan.

Tại sao trẻ bị bệnh gan mạn tính dễ có các vấn đề về dinh dưỡng và hấp thu?

Trẻ bị bệnh gan mạn tính, ngoại trừ giai đoạn đã có biến chứng suy gan và hôn mê gan, luôn cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn không chỉ để lớn và bắt kịp đà tăng trưởng mà còn để chống chọi với bệnh tật.

Gan là cơ quan quan trọng trong việc chuyển hóa protein, lipid, carbonhydrate, lưu trữ và kích hoạt các vitamin, bài tiết chất độc. Acid mật còn đóng vai trò quan trọng trong hấp thu lipid và các vitamin tan trong dầu. Vì vậy trẻ mắc bệnh lý gan mật, đặc biệt nhóm trẻ có triệu chứng vàng da ứ mật có nguy cơ cao suy dinh dưỡng và thiếu hụt các vitamin tan trong dầu cao hơn các trẻ cùng độ tuổi.

Các ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng tới các trẻ có bệnh lý gan mật

Suy dinh dưỡng

Do năng lượng cung cấp không đủ cho trẻ vì trẻ chán ăn, buồn nôn, nôn, no nhanh, phải nhịn ăn và chế độ ăn không đủ…

Nhu cầu năng lượng của trẻ bị bệnh gan tăng, tăng 140% so với nhu cầu cơ bản trung bình ở trẻ bệnh gan mạn

Hấp thu kém, đặc biệt là hấp thu lipid.

Thiếu vitamin, chất khoáng và vi chất

Thiếu vitamin tan trong dầu: vitamin A, vitamin D, vitamin E, Vitamin K. Đặc biệt thiếu vitamin D kèm với thiếu canxi làm trẻ dễ bị còi xương và gãy xương.

Thiếu vitamin tan trong nước: cần được bổ xung dạng các vitamin tổng hợp.

Thiếu vi chất và khoáng chất như: canxi, kẽm, magie, selen, sắt… bổ sung dựa vào định lượng các chất này trong huyết thanh.

Giảm đề kháng với bệnh tật

Suy dinh dưỡng cùng với suy gan dẫn đến giảm tổng hợp các kháng thể bảo vệ cơ thể, hậu quả trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Trẻ bị nhiễm bệnh làm tình trạng suy dinh dưỡng càng nặng nề và gây ra vòng xoắn bệnh lý.

Làm thế nào để biết trẻ có bệnh gan mạn tính có vấn đề về dinh dưỡng?

Đánh giá dinh dưỡng rất quan trọng để xác định tình trạng dinh dưỡng, sự thiếu hụt các vitamin, vi chất để can thiệp kịp thời, phù hợp với từng tình trạng bệnh lý.

Cách đánh giá dinh dưỡng đơn giản cho cha mẹ có thể áp dụng tại nhà như: đo chiều cao, cân nặng và đối chiếu vào biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương. Nếu thấy rơi vào vùng nguy cơ suy dinh dưỡng gia đình cần đưa trẻ đến viện để được đánh giá toàn diện và điều trị.

Các cách đánh giá dinh dưỡng tại bệnh viện:

- Đo cân nặng, chiều cao (hoặc chiều dài nằm đối với trẻ

- Đo vòng đầu: áp dụng với trẻ nhỏ hơn 36 tháng

- Đo vòng cánh tay: áp dụng cho trẻ 6-59 tháng.

- Đo độ dày cơ tam đầu.

Mỗi phương pháp đánh giá có vai trò khác nhau, tùy tình trạng bệnh nhân các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp thích hợp để xác định tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

Các bác sĩ sẽ làm gì khi trẻ có vấn đề về dinh dưỡng?

Kiểm tra lâm sàng:

- Khám toàn trạng.

- Đánh giá mức độ suy dinh dưỡng, loại suy dinh dưỡng và các biến chứng do suy dinh dưỡng.

- Đánh giá tiến triển bệnh gan mạn tính.

- Phát hiện các bệnh lý khác kèm theo (nếu có).

Kiểm tra xét nghiệm: Tùy tình trạng lâm sàng có chỉ định xét nghiệm phù hợp.

- Xét nghiệm kiểm tra đánh giá bệnh lý gan mạn tính.

- Xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu đạm, thiếu máu, rối loạn nước điện giải, đường huyết, các vi chất, khoáng chất, vitamin…

- Các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân, biến chứng của bệnh (tùy từng bệnh nhân).

Xử trí:

Tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ có chỉ định cho bệnh nhân nhập viện điều trị hay kê đơn và tư vấn dinh dưỡng điều trị tại nhà.

Dinh dưỡng thế nào là tốt nhất cho trẻ có bệnh gan?

Nguyên tắc dinh dưỡng

- Năng lượng cung cấp: tăng lượng calo đưa vào 130 -150% so với nhu cầu khuyến nghị.

- Carbonhydrat:

Chiếm 50-65% năng lượng cung cấp cho trẻ (trừ bệnh thiếu hụt citrin và bệnh Glycogenose), trẻ có suy gan hoặc nhóm Glycogenose có nguy cơ hạ đường huyết nên cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn trong ngày.

- Protein:

Chiếm 12-15% năng lượng cung cấp cho trẻ (trừ bệnh NICCD), protein 2-4 g/l.  Nên tăng acid amin thơm (AAAs), giảm acid amin chuỗi nhánh (BCAAs).

- Chất béo:

Chiếm 25-30% tổng năng lượng cung cấp cho trẻ, nên dùng chất béo MCT (Triglycerit chuỗi trung bình) vì hấp thụ trực tiếp vào tế bào ruột và tĩnh mạch cửa. Không nên loại bỏ hoàn toàn LCT (Triglycerit chuỗi dài) khỏi chế độ ăn, vì chúng cung cấp các acid béo thiết yếu, các acid béo không bão hòa (như DHA) rất cần thiết cho sự tăng trưởng bình thường và phát triển não bộ của trẻ.

- Bổ sung các vitamin tan trong dầu: vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K. Liều lượng bổ sung tùy từng tình trạng thiếu vi chất ở bệnh nhân.

- Bổ sung khoáng chất, vi chất và các vitamin tan trong nước:

Vitamin tan trong nước cũng nên được bổ sung dưới dạng vitamin tổng hợp. Đối với các khoáng chất, bao gồm selen, kẽm, canxi và magiê, việc bổ sung nên dựa vào kết quả kiểm tra ở từng bệnh nhân.

Lựa chọn và chế biến thực phẩm

- Chọn thực phẩm tươi, tránh thức ăn dễ gây dị ứng như đồ biển, tôm, ốc, sò, hến.

- Protein: nên chọn từ cá, sữa, thịt nạc… không sử dụng phủ tạng động vật.

- Lipid: nên dùng dầu thực vật, dùng dầu MCT hoặc sữa giàu MCT theo chỉ định của bác sĩ. Tránh dùng mỡ động vật.

- Chọn rau, quả tươi, giàu vitamin.

- Chế biến thức ăn: Không nên chế biến cầu kỳ, hạn chế các món rán và hạn chế dùng nhiều gia vị.

- Số bữa ăn: tùy theo từng trẻ và giai đoạn bệnh. Có thể chia ra nhiều bữa để trẻ hấp thu tốt.

- Bữa ăn phải đủ các thành phần và có tỷ lệ thích hợp: carbonhydrat, lipid, protein tùy theo từng bệnh và giai đoạn bệnh.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer