Doanh nghiệp về y tế tận dụng chuyển đổi số vượt dịch thành công

Có thể thấy, Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
06/07/2021 19:44

Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.

Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

tng(17)

(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho hay, Công ty của ông được thành lập hơn 1 năm và trùng với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở khắp thế giới cũng như trong nước. Do tác động của dịch bệnh, nên việc kinh doanh ban đầu liên quan đến thị trường bất động sản gặp khó khăn. Ông Quang đã lựa chọn khởi nghiệp bằng lĩnh vực công nghệ, sáng tạo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh này. Với nhiều lợi thế về công nghệ sẵn có, ông quyết định cùng các cộng sự đầu tư phát triển sáng chế ra sản phẩm thiết bị và phần mềm theo dõi, bảo vệ sức khỏe iCare.

Mới đây, tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2020, dự án về thiết bị iCare của ông Quang đã đoạt giải nhất và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía ban giám khảo, các chuyên gia về khởi nghiệp. Hiện dự án của ông Quang cũng đã lọt vào tốp 100 của chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ để huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị cho việc thương thuyết với các nhà đầu tư (shark).

Công ty CP May 10 đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Đó là khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Để ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh, người đứng đầu phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Theo đó, cần nhấn mạnh vào 3 vấn đề, đó là nhân sự phù hợp, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù để ứng phó với khủng hoảng ngay tại thời điểm xảy ra.

Trước xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, công nghệ cũng là yếu tố gần như không thể thiếu để hội nhập và cạnh tranh. Đây là yếu tố có thể tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm của các doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh…

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng đã không ngừng nỗ lực giữ vững vị thế và mở rộng kênh mua sắm trực tuyến bằng giải pháp cam kết giá bình ổn và giao nhanh trong ngày; trong đó có ngành hàng y tế, thực phẩm, đồ uống.

Từ xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu của người dân hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nào còn khả năng chuyển đổi thì phải mạnh dạn chuyển đổi sang các sản phẩm mà xã hội đang cần, vừa duy trì hoạt động vừa tạo việc làm cho người lao động.

Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Hoàng Quyên

comment Bình luận

largeer