Đồng Nai chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), dại…, các trung tâm y tế trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và khống chế, không để dịch bệnh lan rộng.
26/08/2023 08:22

Các bệnh truyền nhiễm chưa có dấu hiệu giảm

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Các loại dịch bệnh SXH và TCM những ngày gần đây có xu hướng tăng nhẹ. Tính đến thời điểm này số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh là hơn 2,9 ngàn ca, 5 ca tử vong. Tương tự TCM những tuần gần đây số ca mắc có xu hướng tăng. Tính đến nay đã có hơn 5,3 ngàn ca.

Bên cạnh đó, dịch bệnh dại sau nhiều năm không ghi nhận thì đến nay đã lan ra cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 người tử vong vì bệnh dại, ghi nhận 7 ổ dịch dại trên chó (trong đó 1 ổ tại H.Vĩnh Cửu, 2 ổ tại H.Trảng Bom và 2 ổ tại H.Nhơn Trạch, 2 ổ tại H.Long Thành).

BS.CKI Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách TTYT H.Thống Nhất cho biết, khi bước vào mùa mưa, các dịch bệnh SXH, TCM trên địa bàn huyện có xu hướng gia tăng, đến thời điểm này H.Thống Nhất đã ghi nhận 119 ca SXH, 187 ca TCM.

Tại huyện Vĩnh Cửu, BS.CKI Hồ Văn Hoài, Giám đốc TTYT huyện cho biết: Tính đến thời điểm này toàn huyện ghi nhận 194 trường hợp mắc SXH tại 12/12 xã, thị trấn. Địa phương có số ca mắc cao tập trung ở những xã như Vĩnh Tân (63 ca), Thạnh Phú (47 ca), Vĩnh An (26 ca)… Số ca SXH nặng chiếm 4/194 trường hợp chiếm 2%. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Còn dịch bệnh TCM cũng có tăng, đến nay toàn huyện ghi nhận 422 trường hợp. Địa phương có số ca mắc cao tập trung tại các xã: Vĩnh Tân (115 ca), Thạnh Phú (91 ca), Vĩnh An (63 ca)…

Đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng chống

Nhân viên CDC Đồng Nai kiểm tra tình hình thực hiện phòng chống sốt xuất huyết tại nhà người dân

Nhân viên CDC Đồng Nai kiểm tra tình hình thực hiện phòng chống sốt xuất huyết tại nhà người dân

BS.CKI Trần Mạnh Tuấn cho biết, mặc dù Thống Nhất không phải là huyện có số ca mắc về các bệnh SXH, TCM cao so với các huyện khác chỉ đứng ở vị trí thứ 9/11 huyện, thành phố, tuy nhiên không vì vậy mà huyện chủ quan lơ là, huyện đã phát động các phong trào vệ sinh môi trường diệt lăng quăng vào các ngày thứ 7, tăng cường công tác truyền thông cho người dân hiểu và ý thức được tình hình dịch bệnh để họ có ý thức tốt để bảo vệ cho mình và người thân. Sắp tới học sinh sẽ bước vào năm học mới, do đó nguy cơ dịch TCM cũng như các dịch bệnh khác sẽ có nguy cơ lây lan mạnh, vì vậy huyện đã chủ động liên hệ với Phòng Giáo dục để truyền thông bệnh TCM và các dịch bệnh khác cho nhà trường để có các biện pháp xử lý và bảo vệ trẻ khi có dịch bệnh, qua đó góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

BS.CKI Hồ Văn Hoài cho biết, để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, H.Vĩnh Cửu đã thành lập và củng cố tăng cường hoạt động các đội chống dịch huyện và xã; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng vật tư, hóa chất chống dịch.

Tại vùng dịch bệnh lưu hành, nghiêm túc thực hiện xử lý triệt để, kịp thời ít nhất 95% ổ dịch ngay khi còn ở quy mô, phạm vi nhỏ trong địa bàn ấp/khu phố; ngăn chặn không để dịch SXH phát triển và lan rộng ra các địa bàn khác.

Phối hợp với Đài phát thanh huyện tuyên truyền về bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika trên hệ thống đài phát thanh huyện, xã, đặc biệt là trước trong các chiến dịch diệt lăng quăng. Các trạm Y tế xã, thị trấn liên hệ với các trường THCS, THPT trên địa bàn triển khai chiến dịch, tuyên truyền về bệnh SXH, cách phòng chống bệnh và diệt lăng quăng…, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch "ăn sạch, uống sạch, ở sạch"; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Cấp cloramin B cho hộ gia đình có trẻ mắc bệnh TCM theo quy định, hướng dẫn phụ huynh vệ sinh sàn nhà, dụng cụ, đồ chơi cho bé theo quy định, hướng dẫn tuyên truyền các biện pháp phòng chống TCM tại khu dân cư khi có ca mắc. Triển khai khử khuẩn tại các trường mầm non công lập, tư thục trên địa bàn.

Huy động các cơ quan, đoàn thể cùng tham gia hoạt động vệ sinh môi trường, dọn dẹp các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà… sử dụng hóa chất diệt lăng quăng tại các điểm công cộng hoặc các dụng cụ chứa nước khó xử lý. 

Bên cạnh đó huyện triển khai quyết liệt “Ngày cuối tuần phòng SXH” định kỳ hằng tuần (thứ Bảy hoặc Chủ Nhật tùy tình hình thực tế của từng địa phương và do địa phương chọn), và lãnh đạo các đơn vị cũng như nhân viên y tế cùng với nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.

Đến nay 100%  xã, thị trấn đồng loạt triển khai “Ngày cuối tuần phòng chống SXH” với 100% hộ dân, nhà trọ, phòng trọ, khu đất trống, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở kinh doanh dịch vụ,... trên địa bàn được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy. Duy trì 100% hộ gia đình trên địa bàn khu vực có nguy cơ cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tuần/1 lần.

BS.CKI Phan Văn Phúc - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai nhấn mạnh, ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Người dân cần tiêm vắc xin đầy đủ với các loại bệnh đã có vắc xin; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn sạch, ở sạch, tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh SXH, tay chân miệng và một số bệnh thông thường khác.

Riêng với dịch bệnh dại, những gia đình nuôi chó, mèo cần khẩn trương tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ. Người dân khi bị chó, mèo cắn cần đi tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc.

Thanh Tú – CDC Đồng Nai

comment Bình luận

largeer