Đồng Nai tăng cường quản lý, dự phòng bệnh không lây nhiễm ở tuyến y tế cơ sở

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và đang có xu hướng gia tăng. Do đó việc sàng lọc, phát hiện sớm BKLN rất quan trọng, giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng nặng, tiết kiệm chi phí điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.
23/08/2023 11:18

BS.CK I Đồng Minh Hùng, Khoa Phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời. BKLN chiếm 74% gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng quá tải bệnh viện, gia tăng nghèo đói và áp lực lên sự phát triển kinh tế, xã hội.

“BKLN có biểu hiện và triệu chứng bệnh âm thầm, dai dẳng, ít đau đớn cấp tính nên nhiều người dân vẫn còn rất chủ quan. Phần lớn người mắc các BKLN đều được phát hiện khi biểu hiện bệnh quá nặng. Đây là nguyên nhân khiến BKLN trở thành gánh nặng sức khỏe cho người bệnh và xã hội. Vì vậy việc sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý tốt ở tuyến cơ sở sẽ là cách hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh và cộng đồng”, BS.CKI Đồng Minh Hùng chia sẻ.

Những năm qua, ngành y tế đã triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 376/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các BKLN giai đoạn 2015 – 2025. Nhằm giúp người dân kịp thời phát hiện BKLN trong cộng đồng.

Người dân đăng ký nhận thuốc ở Trạm y tế xã Xuân Định (ảnh CDC Đồng Nai)

Người dân đăng ký nhận thuốc ở Trạm y tế xã Xuân Định (ảnh CDC Đồng Nai)

Theo BS.CKI Dương Cường, Trưởng khoa phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, hằng năm, trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai đều phối hợp với các bệnh viện trong tỉnh hướng dẫn triển khai các hoạt động như tập huấn nghiệp vụ cho y tế xã phường; mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật xét nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều trị, quản lý BKLN. Song song đó là phối hợp với Trung tâm y tế các địa phương thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các trạm y tế về thực hiện nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị BKLN. 

Theo đó, nhiều hoạt động nhằm phát hiện sớm, quản lý BKLN được triển khai theo định kỳ như: Khám sàng lọc, phát hiện sớm về các rối loạn chức năng liên quan đến rượu bia; đẩy mạnh các hoạt động khám, tư vấn và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường được triển khai hàng ngày cho người dân tại các cơ sở y tế. Tiếp tục thu dung bệnh nhân mới, lập bệnh án, duy trì quản lý, theo dõi điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh; Khám, cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm; Thu thập, ghi nhận những ca bệnh ung thư mới phát hiện, ghi nhận giai đoạn bệnh từ các khoa Ung bướu, khoa Giải phẫu bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực; Tổ chức triển khai điều tra, giám sát chất lượng muối i-ốt hộ gia đình, triển khai khám sàng lọc bướu cổ cho học sinh từ 8 - 10 tuổi.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về BKLN cũng được chú trọng với nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tài liệu và vãng gia chăm sóc sức khỏe đến người dân.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 180 ngàn bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, tâm thần nhưng số lượng người bệnh được quan lý tại trạm y tế rất thấp. Đối với bệnh tăng huyết áp, tuyến xã phường chỉ quản lý gần 25%.

“Nguyên nhân là do người dân vẫn còn hạn chế về tác hại cũng như cách phòng tránh BKLN; tâm lý người dân không muốn điều trị tuyến dưới, bệnh nhân tự ý mua thuốc ở ngoài tự điều trị. Thêm vào đó, nhân lực tại các trạm y tế còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều công tác chuyên môn khác nhau; thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cấp cho trạm y tế chưa đủ số lượng, chủng loại còn ít vì vậy công tác phòng chống BKLN tại trạm chủ yếu chỉ dừng ở khâu tư vấn, khám phát hiện, kê đơn nhưng chưa điều trị thường xuyên cho bệnh nhân...”, BS.CK I Dương Cường cho biết.

Trong thời gian tới, để giảm tỷ lệ bệnh nhân mắc BKLN trong cộng đồng, ngành y tế tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các BKLN, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống BKLN theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể.

Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các BKLN từ tỉnh đến xã, phường để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc BKLN.

Ngọc Nguyễn

 
comment Bình luận

largeer