Đồng Nai: Ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng tâm thần, phạm nhân

Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19, đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết, phương án khống chế dịch tốt nhất đối với bệnh nhân COVID-19 tâm thần chính là vaccine, ngành y tế Đồng Nai sẽ ưu tiên tiêm cho các đối tượng tâm thần, pháp y, phạm nhân và lực lượng chức năng.
11/09/2021 07:02

Hiện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại tỉnh Đồng Nai đã có 225 F0, trong đó có 8 F0 là nhân viên y tế. Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa có 90 F0, trong đó có 4 F0 là nhân viên y tế. Đơn vị đã thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 tại Khoa Nhi thuộc bệnh viện, với công suất 30 giường, dự kiến nâng lên 50 giường.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Võ Thành Đông - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho hay, khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề vaccine, bởi không có cách nào khác có thể bảo vệ bệnh nhân tâm thần bằng vaccine. Do đó, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đề xuất Bộ Y tế sớm có phương án hỗ trợ, điều phối vaccine về Đồng Nai. Ngoài ra, đơn vị cũng đề xuất tăng cường kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch, thiết bị, bảo hộ, xét nghiệm, hỗ trợ người tham gia chống dịch.

dongnaitiemchobenhnhantamthan

Theo đó, đại diện Bộ Y tế đề nghị các đơn vị y tế tỉnh Đồng Nai tập trung 6 nhóm vấn đề về phòng, chống dịch và điều trị COVID-19 tại Đồng Nai. Cụ thể: Thứ nhất là chú trọng khoanh vùng, cách ly F0, đặc biệt F0 là đối tượng tâm thần; Thứ hai là tập trung tổ chức điều trị cho F0 bị tâm thần bởi các bệnh nhân này có nguy cơ trở nặng rất lớn; Thứ ba là gấp rút thiết lập trung tâm điều trị COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần; Thứ tư là tăng cường hỗ trợ hậu cần như trang thiết bị cấp thiết, thuốc điều trị đối với bệnh nhân tâm thần; Thứ năm là ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng này; Thứ sáu là bảo vệ bằng được những nơi đang là "vùng xanh", những khu vực không có ca nhiễm, để từ đó, tập trung nguồn lực tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 tâm thần.

Đối với F0 điều trị theo các khoa, đề nghị phân nhóm đối tượng ra trong từng khoa theo các mức nguy cơ thấp, cao, rất cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Lực lượng Y tế để cần theo dõi sát các nhóm này để can thiệp y tế kịp thời, hạn chế chuyển biến nặng. Phải có phương án cho thời gian tới để chủ động thành lập đơn vị hồi sức tích cực dành riêng cho những bệnh nhân tâm thần trở nặng và cần chăm sóc hồi sức tích cực.

Về lâu dài, ngành y tế Đồng Nai cần chú trọng phủ rộng vaccine, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. Song song đó là bảo toàn lực lượng, thực hiện quy trình sàng lọc, phân luồng, cách ly để tiếp tục bảo vệ "vùng xanh", những khu vực chưa có F0.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer