Australia: Biến chủng Delta đã làm thay đổi biện pháp phòng dịch của nước này

Australia từng kiểm soát tốt COVID-19 nhờ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, biến chủng Delta xuất hiện buộc nhà chức trách tính đến giải pháp ứng phó phù hợp hơn.
10/09/2021 16:47

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Australia nổi lên như một trong những quốc gia kiểm soát tốt COVID-19. Bằng cách đóng cửa biên giới và thực hiện phong tỏa kéo dài, Canberra đã có thể tránh được các đợt bùng phát ca nhiễm quy mô lớn.

Cách tiếp cận mạnh tay của Australia góp phần kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh trên cả nước. Cuộc sống gần như trở lại bình thường trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021.

Dù vậy, thực tế đó dường như chỉ là một cảm giác an toàn ngắn ngủi trong thời điểm mới chỉ 8% người dân ở Australia được tiêm chủng đầy đủ, New York Times nhận định.

Biến chủng Delta xuất hiện đã làm đảo lộn thành tựu đạt được của Canberra. Đến tháng 9, số ca nhiễm ở Australia lên mức 1.400 ca/ngày, con số cao nhất từ đầu dịch.

Khoảng 25 triệu người dân đang sống cùng những quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Chính quyền vẫn duy trì lệnh giới nghiêm vào ban đêm, giới hạn đi lại trong bán kính 5 km quanh nơi ở và hạn chế tập thể dục ngoài trời.

Trong khi nhà chức trách thắt chặt các hạn chế, nhiều bệnh viện ở Australia đang có dấu hiệu quá tải khi số ca bệnh vẫn còn tăng cao. Bang New South Wales hôm 8/9 ghi nhận 1.480 trường hợp mắc COVID19 trong cộng đồng, tăng từ mức 1.220 ca một ngày trước đó.

Trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu chống dịch triệt để hay "không COVID-19" của Canberra đang dần tỏ ra không còn phù hợp. Người dân Australia chờ đợi một cách tiếp cận hiệu quả hơn từ chính quyền nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

47

Nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm ở bãi biển Bondi hôm 17/6

Nỗ lực của Canberra

Trong những tuần gần đây, chương trình tiêm vaccine của Australia đã bắt đầu tăng tốc, một phần nhờ vào nguồn cung Pfizer/BioNTech dồi dào và người dân Australia sẵn sàng hơn khi tiêm chủng.

Đến nay, Australia đã tiêm mũi đầu tiên cho 64% công dân đủ điều kiện trong khi 39% người đã hoàn thành tiêm hai mũi.

Sự chậm trễ thời điểm ban đầu xuất phát từ thực tế Australia chưa thể tự sản xuất vaccine với công nghệ ARN thông tin (mRNA) và phải phụ thuộc vào nguồn AstraZeneca huy động được.

Với tỷ lệ tiêm chủng thấp, Australia trở thành một mục tiêu để biến chủng Delta nguy hiểm có cơ hội phát tán. Từ một số ca nhiễm ở người chưa được tiêm vaccine, biến chủng Delta đã nhanh chóng lây lan khắp Australia giữa thời điểm đang là mùa đông ở khu vực Nam Bán cầu.

Khi đó, chính phủ Australia phải ứng phó với tình hình mới bằng cách tìm kiếm nguồn vaccine từ nhiều nơi, trong đó có Ba Lan, Anh và Singapore. Đồng thời, Canberra cũng được sáng kiến COVAX cung cấp thêm 500.000 liều khác.

46

Một người dân bang Victoria đi bộ trên sân ga vắng vẻ ở đường Flinders hôm 16/7

Khi các ca nhiễm vẫn ở mức cao, giới chuyên gia dự báo rằng có lẽ cần thêm nhiều tháng nữa Australia mới có thể nới lỏng các hạn chế phòng dịch.

Hiện tại, chính phủ Australia vẫn áp dụng biện pháp đóng cửa biên giới. Người dân cần phải tiến hành một số thủ tục bổ sung để xuất hoặc nhập cảnh. Thời gian qua, Australia cũng đã nỗ lực đưa khoảng 200.000 công dân về nước và tiến hành cách ly bắt buộc 14 ngày.

Gần đây, Australia phải huy động lực lượng vũ trang để đảm bảo thực hiện các quy định phòng dịch. Ở Sydney, quân đội Australia đã hỗ trợ thực thi phong tỏa khi thành phố 6 triệu dân này ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục vào cuối tháng 7.

Nỗ lực kiếm soát đại dịch và khôi phục kinh tế, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison vẫn không thể giúp Australia tránh khỏi khoản thiệt hại hàng tỷ USD.

Theo Guardian, giới chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP của Australia chưa thể khởi sắc sau hai quý sụt giảm liên tiếp trong năm nay, Australia trải qua cuộc suy thoái lần đầu tiên trong 30 năm do tác động của đại dịch COVID-19.

Chung sống với đại dịch

Trên thực tế, nhà chức trách và chuyên gia y tế Australia đã nhìn nhận rằng COVID-19 có thể không biến mất, và cộng đồng cần chuẩn bị khả năng để chung sống với đại dịch.

Để đạt mục tiêu đó, Australia cần thúc đẩy tiêm chủng thông qua các biện pháp khuyến khích trên diện rộng.

Chính quyền có thể xem xét tổ chức một số điểm tiêm chủng tại các khu vực dễ tiếp cận người dân đồng thời cân nhắc sử dụng hộ chiếu vaccine tại các sự kiện tập trung đông người hay thúc đẩy hoạt động du lịch.

Trong thời gian ngắn và trung hạn, Canberra có thể duy trì các quy định phòng dịch hiệu quả như yêu cầu đeo khẩu trang trong không gian kín, kết hợp với tiến hành xét nghiệm và cách ly.

45

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ từng khẳng định rằng khẩu trang rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19

Trong khi khuyến khích người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch, cộng đồng Australia cũng cần chuẩn bị để thích ứng với bối cảnh số ca lây nhiễm có thể tăng một khi các hạn chế được nới lỏng.

Kế hoạch của chính phủ Australia do Viện Doherty thực hiện cho biết khi đạt tỷ lệ tiêm chủng 70%, các biện pháp phong tỏa có thể giảm bớt. Vào thời điểm con số này đạt mức 80%, chính quyền sẽ xem xét áp dụng phong tỏa trên một số khu vực cụ thể và dỡ bỏ hạn chế đối với người đã tiêm vaccine.

Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, vaccine tỏ ra hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc COVID-19 với các triệu chứng nặng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.

“Khi chúng tôi chuyển sang phương pháp kiểm soát với tỷ lệ dân số được tiêm đầy đủ cao hơn, chúng tôi sẽ không cần truy vết mọi trường hợp mắc bệnh nữa", Guardian dẫn lời bà Catherine Bennett, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Victoria.

"Đây là một trong nhiều sự thay đổi sẽ định hình cách tiếp cận của Australia vào đầu năm 2022, tiến tới chung sống và kiểm soát căn bệnh này", bà Bennett nói.

44

Người dân Australia ở bãi biển Coogee vào tháng 1 - thời điểm mùa hè ở Australia

Ông Don Nutbeam, chuyên gia tại Đại học Sydney, cho biết: “Tốc độ lây truyền của biến chủng Delta vượt qua các phương pháp tiếp cận trước đó, bao gồm xét nghiệm, truy vết, hạn chế di chuyển và cách ly", theo Guardian.

Trong bối cảnh đó, "phản ứng của chúng ta cũng cần phải thích ứng liên tục với kẻ thù nguy hiểm và khó lường này", ông Nutbeam khẳng định.

TH

comment Bình luận

largeer