Đường và ung thư

Có nhiều câu hỏi được đặt ra: Đường có gây ung thư không? Đường có nuôi tế bào ung thư khiến chúng phát triển mạnh hơn? Và đường tiêu thụ thông qua thức ăn và đồ uống ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của chúng ta? Đường và ung thư là 2 vấn đề được rất nhiều người "ràng buộc" chúng với nhau, vậy đâu là quan điểm đúng đắn?
05/04/2023 09:45

Glucose - nhiên liệu của sự sống

Tìm kiếm thông tin trên internet về đường và ung thư, không mất nhiều thời gian để tìm ra những cảnh báo đường là “cái chết trắng” và “món khoái khẩu của ung thư”. Nhưng ý tưởng cho rằng đường chịu trách nhiệm khởi động hoặc thúc đẩy sự phát triển của ung thư là một sự đơn giản hóa quá mức của một số quá trình sinh học phức tạp.

Đường có nhiều dạng khác nhau, dạng đơn giản nhất chỉ là một phân tử đơn lẻ, chẳng hạn như glucose và fructose. Những phân tử này cũng có thể dính vào nhau theo cặp hoặc thành chuỗi phân tử dài hơn. Tất cả các tổ hợp phân tử đều là carbohydrate và là nguồn năng lượng chính của cơ thể chúng ta.

230404-4-1-170139-040423-87

Dạng đường mà hầu hết chúng ta sẽ quen thuộc là đường ăn – một loại đường đơn gian hòa tan trong nước và tạo cho mọi thứ có vị ngọt. Tên riêng của nó là sucrose và nó được tạo thành từ các tinh thể glucose và fructose. Đường ăn được tinh chế, nghĩa là nó đã được xử lý để chiết xuất từ nguồn tự nhiên (mía, củ cải đường…). Thực phẩm chưa qua chế biến cũng có thể chứa nhiều đường đơn, ví dụ như mật ong (cũng được làm chủ yếu từ glucose và fructose) gần như là đường nguyên chất.

Khi chuỗi đường dài ra, chúng sẽ mất vị ngọt và không hòa tan trong nước nữa. Những chuỗi này được gọi là polysacarit và tạo thành một thành phần lớn trong thực phẩm giàu tinh bột. Thực phẩm giàu tinh bột như gạo, bánh mì, mì ống và rau củ như khoai tây có thể không có vị ngọt nhưng chúng cũng chứa nhiều carbohydrate.

Gần như mọi bộ phận của cơ thể chúng ta đều được tạo thành từ các tế bào sống. Và chính những tế bào này giúp chúng ta nhìn, thở, cảm nhận, suy nghĩ và hơn thế nữa. Mặc dù công việc của chúng trong cơ thể có thể khác nhau, nhưng có một điểm chung của tất cả các tế bào này là chúng cần năng lượng để tồn tại và thực hiện nhiệm vụ của mình. Các tế bào bằng cách nào đó cần biến chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống thành một dạng năng lượng mà chúng có thể sử dụng, được gọi là ATP. Quá trình này bắt đầu với glucose.

Glucose là nhiên liệu cơ bản cung cấp năng lượng cho từng tế bào của chúng ta. Nếu chúng ta ăn hoặc uống những thứ chứa nhiều glucose, chẳng hạn như đồ uống có ga, thì glucose sẽ được hấp thụ thẳng vào máu để sẵn sàng cho các tế bào của chúng ta sử dụng. Nếu một loại thực phẩm giàu tinh bột, chẳng hạn như mì ống có trong thực đơn, các enzym trong nước bọt và dịch tiêu hóa của chúng ta sẽ phân hủy và chuyển hóa thành glucose. Và nếu vì lý do nào đó không có carbohydrate trong chế độ ăn uống của chúng ta, các tế bào có thể biến chất béo và protein thành glucose như một phương án cuối cùng, vì chúng cần glucose để tồn tại.

Ở đây, đường và ung thư bắt đầu xung đột, vì ung thư là bệnh của tế bào.

Đường và ung thư

Các tế bào ung thư thường phát triển nhanh chóng, nhân lên với tốc độ nhanh nên tiêu tốn nhiều năng lượng. Điều này có nghĩa là chúng cần rất nhiều glucose. Các tế bào ung thư cũng cần nhiều chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như axit amin và chất béo, chúng không chỉ “thèm” ăn đường. Đây là cơ sở mà các “lý luận” cho rằng đường thúc đẩy ung thư ra đời, nếu các tế bào ung thư cần nhiều glucose, thì việc cắt đường khỏi chế độ ăn uống của chúng ta phải giúp ngăn chặn ung thư phát triển và thậm chí có thể ngăn chặn nó phát triển ngay từ đầu.

Thật không may, nó không đơn giản như vậy! Tất cả các tế bào khỏe mạnh của chúng ta đều cần glucose và không có cách nào bảo cơ thể chúng ta cung cấp lượng glucose cần thiết cho các tế bào khỏe mạnh nhưng không cung cấp cho các tế bào ung thư. Không có bằng chứng nào cho thấy việc tuân theo chế độ ăn kiêng “không đường” làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư hoặc tăng cơ hội sống sót nếu bạn được chẩn đoán.

Và việc tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt với lượng carbohydrate rất thấp có thể gây hại cho sức khỏe về lâu dài do loại bỏ các loại thực phẩm là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin tốt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân ung thư, bởi vì một số phương pháp điều trị có thể dẫn đến giảm cân và khiến cơ thể chịu nhiều căng thẳng. Vì vậy, dinh dưỡng kém từ chế độ ăn kiêng hạn chế cũng có thể cản trở quá trình phục hồi, hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Nếu đường không gây ung thư, tại sao phải lo lắng về nó?

Nếu cắt bỏ đường không giúp điều trị ung thư, thì tại sao các chuyên gia y tế lại khuyến khích mọi người cắt giảm thực phẩm có đường trong lời khuyên về chế độ ăn uống? Đó là bởi vì có một mối liên hệ gián tiếp giữa nguy cơ ung thư và đường. Ăn nhiều đường lâu ngày có thể khiến bạn tăng cân và bằng chứng khoa học chắc chắn cho thấy thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư khác nhau. Trên thực tế, béo phì là nguyên nhân gây ung thư lớn nhất có thể phòng ngừa được sau hút thuốc, điều mà chúng tôi đã viết nhiều lần trước đây.

Và một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy những người uống nhiều đồ uống có đường có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn một chút, bất kể trọng lượng cơ thể. Làm thế nào tôi có thể cắt giảm lượng đường “xấu”? Một trong những cách dễ nhất để giảm lượng đường “đơn giản” của bạn là cắt giảm đồ uống có đường (chẳng hạn như đồ uống có ga và nước tăng lực) có thể chứa nhiều hơn lượng đường tự do tối đa hàng ngày được khuyến nghị chỉ trong một khẩu phần. Các loại thực phẩm có đường rõ ràng khác như kẹo, sô cô la, bánh ngọt và bánh quy cũng tốt nhất nên được giữ làm đồ ăn vặt. Đọc nhãn thông tin dinh dưỡng và kiểm tra danh sách thành phần có thể giúp bạn chọn các loại thực phẩm ít đường hơn.

Không có “kết thúc ngọt ngào”

Câu chuyện về đường và ung thư rất phức tạp. Một mặt, bản thân đường không gây ung thư và không có cách nào (tại thời điểm này) làm cho các tế bào ung thư bị bỏ đói glucose một cách cụ thể mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy việc áp dụng chế độ ăn rất ít carbohydrate sẽ làm giảm nguy cơ ung thư hoặc hỗ trợ điều trị. Đối với người bệnh, việc cung cấp đủ dinh dưỡng là rất quan trọng để giúp cơ thể họ đối phó với việc điều trị. Vì vậy, thông điệp rút ra là mặc dù loại bỏ đường sẽ không ngăn chặn được ung thư, nhưng tất cả chúng ta đều có thể giảm nguy cơ mắc ung thư bằng cách đưa ra những lựa chọn lành mạnh và giảm lượng đường ‘tự do’ trong chế độ ăn uống là một cách tốt để giúp duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Mách bạn, tất cả chúng ta nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu vì những thực phẩm bổ dưỡng này cũng có nhiều chất xơ – điều này không chỉ giúp cơ thể bạn tiêu hóa đường tự nhiên chậm hơn (giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh), mà còn làm giảm nguy cơ ung thư ruột.

Dịch từ nguồn: https://news.cancerresearchuk.org/2020/10/20/sugar-and-cancer-what-you-need-to-know/ 

BS. Hoàng Phan Quỳnh Trang – Khoa Hóa trị liệu và bệnh máu (A6B), Viện Ung thư

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer