Em bé Mường bị tim bẩm sinh nặng giành giật sự sống từng giờ

Sáng ngày 24/2, bác sĩ Trần Đắc Đại - Trưởng khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ Khoa Tim trẻ em của bệnh viện đang tích cực điều trị cho bệnh nhi Bùi Thảo Ly (sinh ngày 6/2/2023; dân tộc Mường, trú tại thôn Trò, xã Kim Lập, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) mắc bệnh tim bẩm sinh, thể nặng.
25/02/2023 08:48

Cụ thể, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng teo tịt hệ thống van động mạch phổi. Từ khi sinh ra, do ống động mạch vẫn còn nên sự sống vẫn được. Cùng với thời gian, thì ống động mạch đóng lại, không còn máu lên phổi, đứa trẻ có biểu hiện tím tái, khi gia đình đưa đi khám mới phát hiện ra.

Hiện tại, bệnh nhi đang được truyền thuốc mở ống động mạch để duy trì sự sống. Sau khi qua được giai đoạn nặng của sơ sinh, sẽ bắt đầu chữa trị.

Empty

Bệnh nhi Bùi Thảo Ly đang được truyền thuốc mở ống động mạch

Theo bác sĩ Trần Đắc Đại, bệnh này là nhóm phụ thuộc vào ống động mạch, nếu ống động mạch đóng là bệnh nhân sẽ tử vong.

Bác sĩ Trần Đắc Đại cho hay: “Bệnh của cháu Ly chỉ có thể chữa tim 1 thất. Bây giờ làm thế nào để đưa máu vào phổi, duy trì sự sống cho cháu, thì chúng tôi đang tiên lượng sẽ phải đặt stent ống động mạch, hoặc đục van ở phổi.

Thêm một khoảng thời gian 4-6 tháng sau khi làm việc này mới tiến hành mổ một lần nữa. Lần mổ này là để bắc cầu tĩnh mạch chủ trên vào động mạch phổi. Đến khi cháu bé được khoảng 2 tuổi, sẽ mổ thêm lần nữa, để bắc cầu tĩnh mạch chủ dưới vào động mạch phổi, cho máu đen chảy vào phổi, không còn chảy về tim…”.

Bác sĩ Trần Đắc Đại cho biết, lộ trình điều trị căn bệnh này là rất dài, ít nhất là 3 lần mổ. Tuy nhiên mỗi lần bệnh nhi mổ như vậy có rất nhiều rủi ro, biến chứng, thậm chí là nguy cơ tử vong.

“Mỗi lần mổ phải tốn kém nhiều chi phí, vất vả. Nhưng nếu như quyết tâm làm và có được sự chăm sóc tốt cho bệnh nhi, có được những tấm lòng hảo tâm tốt thì cháu bé vẫn có cơ hội có được cuộc sống bình thường”, BS Trần Đắc Đại chia sẻ.

“Bên cạnh những chi tiết khó khăn, vất vả vẫn còn những chi tiết tươi sáng. Chúng tôi đã chữa căn bệnh này rất nhiều. Có những trường hợp đứa trẻ từ khi chúng tôi tiếp cận đã 5-6 tuổi, sau khi mổ các cháu đã có cuộc sống khỏe mạnh, đi học, đi làm, lấy vợ, lấy chồng, sinh con cái bình thường”, bác sĩ Đại nói.

Tại khoa Tim trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E anh Bùi Văn Điền (sinh năm 1991 - bố cháu Ly) và vợ là chị (chị Bùi Thị Mi, sinh năm 1999 - mẹ cháu Ly), cùng là người dân tộc Mường, đang cùng con bước vào một “trận chiến” giành sự sống với tử thần.

Empty

Vợ chồng anh Bùi Văn Điền đang cùng con bước vào một “trận chiến” giành sự sống với tử thần

Đứng ngoài cửa sổ, nhìn vào phía vợ đang nằm ôm bé Ly vào lòng, anh Điền khẽ gạt nước mắt, cho phóng viên biết, cháu Ly là con thứ 2 của anh chị. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiền sinh hoạt hàng ngày cho gia đình đều phụ thuộc vào công anh đi phụ hồ ở Hà Nội, vì thế gia đình không có tiền để làm các thủ tục chẩn đoán trước sinh.

“Để kiếm tiền nuôi vợ con, gia đình, tôi cũng làm đủ mọi việc mà người ta thuê, giờ thì đi phụ hồ. Nhưng sau Tết, công việc vẫn còn ít nên tôi chỉ làm thuê quanh quẩn ở nhà nhưng cũng không đủ để trang trải. Từ hôm con nằm viện gia đình nội/ngoại cũng đi vay mượn khắp nơi, mới được vài triệu để lo tiền thuốc cho cháu”, anh Điền cho hay.

Anh Điền nhớ lại: “Có những đêm, tôi nằm ở hành lang bệnh viện thức dậy nhiều lần chỉ để kiểm tra xem con còn thở hay không. Tôi thực sự sợ rất hãi nếu một ngày nào đó con bé rời bỏ tôi. Hai vợ chồng tôi đã suy sụp tinh thần rất nhiều dù biết phía trước còn mịt mù, nhưng vì con chúng tôi sẽ luôn cố gắng”, anh Điền nghẹn giọng, nói.

Ông Bùi Văn Mã - Trưởng thôn xóm Trò, xã Kim Lập, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết: "Hoàn cảnh gia đình anh Điền ở địa phương cũng thuộc diện khó khăn. Cả hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm, ổn định đi làm tự do. Bây giờ phải vất vả vay mượn tiền chữa bệnh cho con thì càng khó khăn hơn”.

Vũ Hường

comment Bình luận

largeer