Gãi ngứa, thói quen tưởng chừng vô hại nhưng có thể gây nhiễm trùng đến mất mạng

Thói quen gãi ngứa tưởng chừng vô hại nhưng lại gây ra các tổn thương cho da, thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng nếu bị bội nhiễm.
07/04/2021 17:34

Khi da bị tác động nào đó gây ra cảm giác ngứa thì cơ thể chúng ta sẽ có phản xạ lại bằng việc thực hiện động tác gãi (tức dùng móng tay chà vào vết ngứa).

Điều đáng quan tâm là một phần của tủy sống (vùng spinothalamic) đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tín hiệu về cảm xúc. Tế bào thần kinh trong vùng này sẽ hoạt động tích cực hơn khi có tác nhân gây ngứa trên da. Do vậy, hành vi gãi giúp ngăn chặn hoạt động của tế bào thần kinh vùng spinothalamic trong suốt thời gian bị ngứa, nghĩa là ngăn chặn tủy sống truyền tín hiệu từ vùng da bị kích thích đến não. Do đó giúp ta hết cảm giác ngứa.

gai ngua

Gãi ngứa có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. (Hình minh họa)

Nhiều người chỉ cho rằng gãi ngứa là phản xạ bình thường của cơ thể, không gây hại nhưng theo các chuyên gia da liêu, điều này hoàn toàn không tốt.

Trả lời trên Trí thức trẻ, Ths. Bs Quách Thị Hà Giang, số lượng bệnh nhân gặp biến chứng do gãi ngứa sai cách tới bệnh viện khám chiếm một tỷ lệ tương đối. Trong đó, có những bệnh nhân gặp biến chứng nặng tăng sắc tố và viêm.

Do hành động gãi sẽ phải tác động lên da và sẽ có cảm giác đau. Trong quá trình đau cơ thể sẽ sinh ra chất Serotonin chất này sẽ có tác dụng giảm đau, cắt cơn ngứa tức thì nhưng sau đó nó sẽ gây ngứa thêm.

"Gãi khi ngứa sẽ tạo ra một vòng xoắn, càng gãi sẽ càng ngứa. Động tác gãi là một động tác không nên, làm nặng thêm tình trạng ngứa. Ngoài làm nặng thêm tình trạng ngứa sẽ gây tổn thương da thêm", bác sĩ Hà Giang cho hay.

Theo bác sĩ Hà Giang, đối với triệu chứng ngứa có dấu hiệu da động tác ngứa làm nặng thêm tình trạng da. Có thể người bệnh có thể bị xước da kéo dài có thể thành mạn tính. Vùng da đó sẽ trở thành sẩn, cục, dày, tăng sắc tố sau viêm hoặc nặng có thể gây nhiễm trùng bội nhiễm.

Khi gãi ngứa trên tay có chứa rất nhiều vi khuẩn có thể đưa thêm vi khuẩn vào các tổn thương làm cho các tổn thương từ vô khuẩn thành nhiễm trùng. Một trong những biến chứng ít gặp nếu lạm dụng gãi đó là có thể thành sẹo xấu.

Trước đó, vào năm 2016, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đã phải tổ chức 6 lần phẫu thuật ghép da cùng với rất nhiều bác sỹ chuyên khoa mới cứu sống được tính mạng cho một bệnh nhân bị nhiễm trùng vùng kín do gãi ngứa. Trường hợp bệnh nhân hy hữu này là ông Hoàng Ngọc Th. (54 tuổi, ngụ tại Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Do bị ngứa bẹn, ông Th. đã tự gãi và bôi dầu gió trong suốt một tuần, dẫn đến nhiễm trùng nặng cộng thêm tiền sử bệnh viêm gan B mạn tính, u gan phải, xơ gan, đái tháo đường tuýp 2 và chứng rối loạn đông máu nên tình trạng rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong.

Do vậy, khi bị ngứa, chúng ta không nên tùy tiện gãi hoặc làm vết ngứa trở nên trầm trọng như lở loét vì có thể bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Ngoài ra, chúng ta cần dưỡng ẩm cho da, điều trị các bệnh gây ra ngứa da như vảy nến, chàm, dị ứng.... theo đúng chỉ định của bác sĩ và tránh các tác nhân gây dị ứng để bảo vệ làn da. 

Thu Minh (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer