Gấp rút hoàn thiện hoạt động cần và đủ để học sinh bắt nhịp năm học mới

Năm học 2021 - 2022 là một năm hết sức đặc biệt với học sinh trên cả nước khi kế hoạch tựu trường thay đổi chóng mặt do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Và để năm học này được trọn vẹn, các cơ sở giáo dục đã gấp rút hoàn thiện kế hoạch cũng như tháo gỡ khó khăn, bất cập để trấn an phụ huynh, học sinh trước thềm năm học mới.
01/09/2021 16:32

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là năm học mới. Nhiều trường đã bắt đầu học trực tuyến, nhiều trường chuẩn bị cho ngày khai giảng. Sách giáo khoa cho năm học mới là một trong những mối quan tâm của các bậc phụ huynh và học sinh.

Gỡ khó sách giáo khoa (SGK)

Các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch ở nhiều địa phương trên cả nước khiến nhiều học sinh chưa tiếp cận được sách giáo khoa. Trước tình hình này, Bưu điện Việt Nam đã lên phương án hỗ trợ để sách giáo khoa được giao tới tay các em học sinh nhanh và sớm nhất.

Theo đó, nhà trường mua sách cho học sinh và được Bưu điện chuyển tới tận gia đình chỉ sau 3 ngày. Chương trình này do Bưu điện Việt Nam, với 2 đơn vị Viettel Post và Vietnam Post, phối hợp cùng các nhà trường trên địa bàn Hà Nội.

dambaocodusgk

Những ngày này, nhân viên bưu điện được huy động làm việc cả hai ngày cuối tuần, vận chuyển gần 20.000 bộ sách giáo khoa mỗi ngày. Bên cạnh việc đặt sách trực tiếp từ nhà trường, phụ huynh cũng có thể lựa chọn các loại sách giáo khoa và đồ dùng học tập từ sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Bưu điện sẽ chuyển tới các em học sinh trong 2 ngày.

Là người trực tiếp phân loại, đóng gói từng bộ sách cho học sinh lớp 6, cô Nguyễn Phương Anh - giáo viên trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do giãn cách xã hội nên thời gian nhà trường nhận sách muộn hơn so với dự kiến. Ngoài ra, bên nhà xuất bản bị hạn chế số lượng người đến kho làm việc, do đó, chỉ vận chuyển các thùng sách đến nhà trường và nhờ giáo viên hỗ trợ phân chia thành từng bộ để chuyển tới các em.

Tương tự, tại trường THCS Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội), ngay khi nhận được sách giáo khoa, nhà trường đã huy động giáo viên, chuyển phát sách đến tận tay cho học sinh. Hiện nay, 100% học sinh đều đã được nhận SGK.

Còn tại TP HCM, UBND thành phố đã có văn bản khẩn chỉ đạo giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Giao thông Vận tải, cùng Công an thành phố tạo thuận lợi để vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022. Đến nay, mọi công tác đóng gói, vận chuyển và giao sách tới tay học sinh đang được gấp rút thực hiện.

Không gây áp lực cho học sinh khi học trực tuyến

Trước thực tế nhiều học sinh vẫn chưa có đủ SGK và đồ dùng học tập, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã chủ động hướng dẫn các trường lưu ý đến vấn đề này trong thời gian 2 tuần đầu sau khai giảng. Cụ thể, việc dạy học trực tuyến trong 2 tuần đầu chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức cũ nên học sinh vẫn sử dụng SGK của năm học trước.

Sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen thì học sinh có thể bước đầu tiếp cận SGK qua địa chỉ website https://hanhtrangso.nxbgd.vn.

Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng đã báo cáo lãnh đạo UBND thành phố về việc sau khai giảng năm học, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, UBND thành phố xem xét cho phép các công ty sách, các nhà sách được hoạt động, cung ứng SGK, đồ dùng học tập… cho học sinh theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp như mua lương thực, thực phẩm thời gian qua, đảm bảo cho học sinh có SGK và đồ dùng học tập khi được học bài mới.

hoctructuyen1

Cùng với đó, tại Nghệ An, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục tùy điều kiện cụ thể, chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp. 

Theo đó, các nhà trường cần tranh thủ "thời gian vàng" để tăng thời lượng dạy học trực tiếp, như: Dạy học 2 buổi/ngày, dạy học vào các ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để tập trung giảng dạy các nội dung trọng tâm, cốt lõi hoặc triển khai các giải pháp khác như: Giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua Zalo, Facebook...

Trong thời gian học sinh trực tuyến cần lựa chọn các nội dung kiến thức cơ bản tùy theo các mức độ nhận biết thông hiểu. Các kỹ năng, mức độ còn lại cao hơn thì tổ chức dạy cho học sinh khi học trực tiếp.

Việc dạy học trực tuyến chỉ lựa chọn nội dung kiến thức cơ bản để cho học sinh dễ nắm bắt. Để kết hợp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến, các cơ sở giáo dục cần triển khai đồng bộ tổ chức dạy học trên hệ thống quản lý học trực tuyến LMS (ứng dụng được dùng để lưu trữ và quản trị nội dung bài khi học online).

Đối với Tiểu học, trẻ còn chưa có ý thức tự giác, đặc biệt các em vào lớp 1 chưa biết đọc, biết viết, cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh.

Các cơ sở giáo sẽ cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ mail người đại diện nhà trường để trả lời các thắc mắc, giải đáp các câu hỏi, tư vấn hỗ trợ học sinh, phụ huynh trong quá trình dạy học. 

Bên cạnh đó, các nhà trường tùy điều kiện thực tế, thống nhất với phụ huynh khung giờ phù hợp nhất để dạy học trực tuyến. Phân chia các khung giờ hợp lý cho từng cấp học để khai thác tối đa thiết bị, trong trường hợp một gia đình có con cái học ở 2 - 3 cấp khác nhau.

Đối với trường miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, học sinh không có đủ thiết bị, mạng Internet để học trực tuyến thì có chia học sinh theo các nhóm nhỏ để dạy học trực tiếp, nhưng đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Ngoài ra, trong thời gian đầu năm học, khi các trường mầm non chưa tựu trường, Phòng GD&ĐT có thể chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non cử giáo viên tại các điểm trường lẻ cùng hỗ trợ học sinh lớp 1 cách phát âm, cách viết trong các tuần đầu của năm học.

Để giúp học sinh, phụ huynh, giáo viên dạy học lớp 1, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã chỉ đạo đội ngũ chuyên môn xây dựng các video clip dạy học trực tuyến trong đó ưu tiên môn Tiếng Việt và Toán.

 Thu Trang

comment Bình luận

largeer