Gia Lai quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại

UBND tỉnh Gia Lai ban hành công văn số 841/UBND-NL về việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh.
16/04/2023 15:46

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng đẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các giải pháp quản lý đàn chó nuôi; tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo; giám sát, phát hiện sớm và xử lý khẩn cấp đối với các ổ bệnh dại trên động vật; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại động vật cấp huyện, cấp xã.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp động vật mắc, nghi mắc bệnh dại; điều tra, ứng phó, xử lý ổ bệnh dại; tổ chức phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y và các văn bản dưới Luật.

Ảnh: Báo Gia Lai

Ảnh: Báo Gia Lai

Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh trong việc hướng dẫn điều tra dịch tễ, xử lý ổ bệnh dại khi phát hiện có trường hợp người mắc bệnh dại do chó, mèo cào, cắn. Sở Y tế sẵn sàng công tác điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó, mèo cào, cắn, có nguy cơ nhiễm bệnh dại nhưng chưa được tiêm vaccine phải được điều trị dự phòng; giám sát bệnh dại trên người; tăng cường năng lực xét nghiệm chủ động trên người.

Phối hợp tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng và quản lý chó, mèo.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng chó cắn người; báo cáo đầy đủ số liệu nuôi chó, mèo, tiêm phòng và giám sát dại tại địa phương về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Rà soát, bổ sung, xây dựng, phê duyệt kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại tại địa phương. Tổ chức thực hiện tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn chó mèo; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng và quản lý chó, mèo nuôi.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer