Gia Lai: Số lượng thuốc trúng thầu cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh

Ngày 21/6, ông Nguyễn Đình Tuấn – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Gia Lai - cho biết, số lượng thuốc trúng thầu tập trung tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2022 cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại 23 cơ sở y tế công lập trên địa bàn.
21/06/2022 18:26

 2 năm chống dịch, bệnh nhân ít đến khám

Giá trị trúng thầu thuốc sử dụng trong 2 năm với tổng số tiền gần 647 tỉ đồng. Theo hợp đồng, khi nào các bệnh viện hết thuốc sẽ phải trả tiền theo từng đợt để bên nhà thầu tiếp tục cung ứng thuốc.

Hiện tại, số tiền thuốc ngành Y tế Gia Lai đã mua chỉ mới hơn 286 tỉ đồng, số tiền thuốc đã sử dụng hơn 245 tỉ đồng. Số tiền thuốc chưa mua 360 tỉ đồng, số tiền thuốc tồn kho 40 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, nguyên nhân số lượng thuốc tồn kho và chưa mua còn lớn là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Hai năm qua dịch bệnh nên số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm nhiều, chủ yếu là công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch COVID-19.

Sở Y tế Gia Lai dự báo từ nay cho đến ngày 1/1/2023 có khả năng một số cơ sở y tế sẽ thiếu thuốc cục bộ đối với các loại thuốc cấp cứu và thuốc chuyên khoa đặc trị.

Nguyên nhân là do số lượng thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm y tế TP.Pleiku tăng đột biến (tăng 1,7 lần so với năm 2021).

Ci

(Ảnh minh hoạ)

Một số thuốc trúng thầu nhưng nhà thầu không cung ứng đủ số lượng theo thỏa thuận khung vì lý do bất khả kháng, do dịch bệnh nên nhà thầu không nhập khẩu được thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

“Đấu thầu thuốc dễ sai, ai cũng sợ”

Khác với các tỉnh thành khác, Gia Lai tiến hành đấu thầu thuốc tập trung 2 năm một lần nên các nhà thầu buộc phải đảm bảo nguồn cung thuốc theo hợp đồng.

Để đủ nguồn cung thuốc năm 2023-2024 tới đây, Gia Lai đề nghị Chính phủ có cơ chế giao cho cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm tập trung, mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng dịch cho ngành Y tế cũng như công an, quân đội, tình nguyện viên… tránh tình trạng mỗi nơi mua một giá khác nhau. Để các y bác sĩ chỉ lo công việc chuyên môn khám chữa bệnh.

“Lĩnh vực đấu thầu thuốc nhạy cảm, ai cũng sợ làm sai. Trong khi tình hình giá cả thị trường lại chuyển biến chóng mặt, ví dụ mặt hàng khẩu trang, trước khi có dịch bệnh bán 50.000 đồng/hộp, trong dịch khan hiếm giá tăng lên 200.000 - 300.000 đồng/hộp vẫn không có mà mua.

Sau dịch, giá lại giảm xuống, vì thế việc xác định đúng giá trị để tránh gây thiệt hại, thất thoát cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, không phải sợ sai thì không làm, ngành Y tế Gia Lai vẫn hướng dẫn làm theo các quy trình, quy định của pháp luật, không tư lợi nhằm có đủ nguồn thuốc trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân”, ông Tuấn nói.

Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Gia Lai vẫn còn thiếu một Giám đốc Sở, 3 cấp Trưởng phòng chuyên môn cấp Sở. Năm 2020, nguyên Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, 2 phó Giám đốc và 6 cán bộ lãnh đạo, nhân viên của Sở này bị truy tố, bắt giam về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo đã có hành vi trong việc xét thầu sai phạm các mặt hàng, gây thiệt hại cho nhà nước trên 6 tỉ đồng. Vụ án nghiêm trọng này còn để lại nhiều bài học trong đấu thầu thuốc cho ngành Y tế, vì vậy mới đây, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, Sở Tài chính có hướng dẫn cụ thể, ngành Y tế cần bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về việc này.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer