Gia Lai thực hiện các chương trình trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội

Ngày 15/7, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1839/KH-UBND về việc thực hiện các chương trình trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội trên toàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
18/07/2023 15:26

Đối tượng bảo trợ xã hội bao gồm: Người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, người cao tuổi. Chương trình sẽ thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng vào các địa phương có tỷ lệ người khuyết tật, người cao tuổi chiếm phần lớn.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là phấn đấu mỗi năm có khoảng 80% người khuyết tật tiếp cận được với các dịch vụ y tế; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 1.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ chỉnh hình.

Bác sĩ khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em là người khuyết tật

Bác sĩ khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em là người khuyết tật

Phấn đấu đạt 100% người khuyết tật đủ điều kiện được trợ cấp xã hội thường xuyên, 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục, 100% người khuyết tật trong độ tuổi lao động có khả năng lao động có nhu cầu được học nghề và tạo việc làm phù hợp, 90% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

Về cơ sở vật chất, 80% công trình xây mới, 30% công trình sửa chữa cải tạo là các trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hoá, thể dục, thể thao, nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. 30% người khuyết tật tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông, tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu,…

Đạt được mục tiêu 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; có ít nhất 30 Câu lạc bộ được xây dựng với 1.500 thành viên. 100% người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Chú trọng việc thành lập và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhiệm vụ được đề ra của Chương trình trợ giúp người khuyết tật, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được trợ giúp về y tế; giáo dục, pháp lý; giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; trợ giúp tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, thông tin và truyền thông; hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; đầu tư, nâng cấp các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần, người cao tuổi; tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực; rà soát, thống kê thông tin người khuyết tật.

Về nhiệm vụ của Chương trình xây dựng mô hình Câu lạc Bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 sẽ lựa chọn, xây dựng thí điểm ít nhất 30 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở xã, phường, thị trấn bao gồm tiêu chí, quy định về cơ cấu tổ chức, điều lệ, nội dung hoạt động, cơ chế huy động nguồn lực, quản lý tài chính, quy trình thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau theo quy định, hướng dẫn của trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam.

Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở cơ sở.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận

largeer