Gia Lai triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Gia Lai ban hành công văn số 1783/UBND-NL yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
12/07/2023 14:46

Trong đó, UBND các địa phương bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để tăng tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ theo kế hoạch đã được phê duyệt (80% tổng đàn trở lên đối với khu vực có ổ dịch dại và 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025); thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

Khẩn trương thống kê và báo cáo chính xác, bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải có người dắt và đeo rọ mõm; tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo; khuyến khích thành lập các đội xử lý chó thả rông, nhất là ở các khu vực thành thị và tổ chức triển khai thực hiện việc bắt chó thả rông theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường tuyên truyền việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh dại; áp dụng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên động vật, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, khu đông dân cư. Đồng thời, bố trí, nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ thú y.

Ảnh: Gialai.gov

Ảnh: Gialai.gov

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh và chủ động triển khai lấy mẫu giám sát phát hiện sớm các ca bệnh dại trên động vật, xử lý, cảnh báo và tổ chức PCBD trên người. Chỉ đạo lực lượng y tế tuyến huyện, xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tuyến huyện, xã trong phát hiện, điều tra và xử lý các trường hợp bệnh lây truyền giữa động vật và người. Thành lập các tổ (có lực lượng thú y, y tế) đến tận thôn, làng để hướng dẫn, tuyên truyền về đặc điểm, tính chất nguy hiểm của bệnh dại; cách nhận biết, xử lý trường hợp chó, mèo, người mắc bệnh dại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 568/KH-UBND và Quyết định số 676/QĐ-UBND; tổng hợp, báo cáo tình hình dịch bệnh, đánh giá diễn biến, nhận định tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Chỉ đạo đơn vị chuyên môn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại ở chó, mèo; khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh cào, cắn, chủ động phối hợp với cơ quan y tế và địa phương tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp PCBD theo quy định.

Sở Y tế phối hợp với UBND các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác PCBD ở người trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu ban hành tại kế hoạch số 568/KH - UBND. Hỗ trợ cho các địa phương đưa ra các giải pháp cung ứng vaccine dại kịp thời cho các điểm tiêm lại tuyến huyện bị khó khăn trong việc mua vaccine nhằm tránh tình trạng thiếu vaccine tại các điểm tiêm, xây dựng ít nhất 01 điểm tiêm phòng dại/huyện. Yêu cầu và hướng dẫn người dân phải đi tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cào, cắn. Tuyệt đối không tự chữa bằng thuốc nam và các biện pháp không đảm bảo khác. Yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân khi có người dân bị chó, mèo cào, cắn đến điều trị, phải tư vấn cho người dân thực hiện tiêm phòng bằng vaccine hoặc kháng huyết thanh theo đúng quy trình về PCBD.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Song song với đó, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác giám sát dựa vào sự kiện tại địa phương, đặc biệt chú trọng vai trò của nhân viên y tế thôn, bản trong giám sát phát hiện sớm các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh trong việc chia sẻ thông tin dịch bệnh dại trên người, điều tra dịch tễ ổ dịch bệnh, hướng dẫn xử lý đối với bệnh dại trên người. Hướng dẫn y tế tuyến cơ sở cập nhật lên hệ thống báo cáo quốc gia về người tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại do động vật cào, cắn.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng về nội dung tuyên truyền PCBD trên người và động vật bằng nhiều thứ tiếng như Jrai, Banar,... nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia PCBD tại cộng đồng và quản lý chó, mèo nuôi.

Mai Đào

comment Bình luận

largeer