Giảm bụi mịn: Cần lộ trình rõ ràng, minh bạch và các giải pháp khả thi

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần một lộ trình giảm bụi mịn PM2.5 rõ ràng, minh bạch, có số liệu cụ thể và chia theo từng giai đoạn để đảm bảo hiệu quả và khả thi. Việc cải thiện chất lượng không khí đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách của cả xã hội.
06/07/2025 22:53

Cần xác định nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể

Sáng 5/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030. Sự kiện thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các cấp bộ ngành.

Toàn cảnh Hội nghị diễn ra ngày 5/7.

Toàn cảnh Hội nghị diễn ra ngày 5/7

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dự thảo kế hoạch phải lượng hóa rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo tinh thần “6 rõ” của Chính phủ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền. Theo đó, chúng ta cần có mục tiêu tổng thể là tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng không khí trên toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững.

3 nhóm mục tiêu cụ thể được đề cập gồm cải thiện chất lượng không khí, trong đó từng bước kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Giảm 20% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức “xấu” trở lên so với năm 2024 (năm 2024 ghi nhận 47 ngày); Giảm 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào năm 2030 so với mức năm 2024; Duy trì các thông số chất lượng không khí khác trong ngưỡng quy chuẩn. Để đạt được mục tiêu này, cần kiểm soát chặt nguồn thải lớn như xi măng, nhiệt điện. Các địa phương cần phải rà soát, di dời hoặc buộc chuyển đổi công nghệ đối với cơ sở sản xuất lạc hậu nằm trong khu dân cư.

Với nhóm kiểm soát nguyên nhân gây ô nhiễm mục tiêu là 100% cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, nhiệt điện, luyện thép sẽ được kiểm soát khí thải, từng bước giảm phát thải; 100% phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP.HCM được quản lý khí thải, tiến tới chuyển đổi sang năng lượng sạch; 100% xe buýt tại Hà Nội sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030. Các tỉnh thành khác thực hiện theo Quyết định 876/QĐ-TTg. Ngoài ra, cũng cần tăng cường vệ sinh đô thị, trồng cây xanh; kiểm soát chặt bụi tại các công trường xây dựng.

Với nhóm xây dựng đô thị văn minh, xanh hóa môi trường mục tiêu sẽ phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 1.000 công trình xây dựng xanh; Thí điểm thiết bị lọc không khí, hệ thống thông gió tại các công trình để đánh giá, nhân rộng; phối hợp liên ngành, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh truyền thông.

Lãnh đạo Cục Môi trường nhấn mạnh, kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý không khí, góp phần cải thiện chất lượng sống và phát triển bền vững.

Phải “đánh trúng” từng nguồn phát thải

Cũng chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, cải thiện chất lượng không khí là một hành trình dài, đòi hỏi quyết tâm và kiên định.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu giảm 20% bụi mịn PM2.5, các nội dung được xây dựng tương đối khoa học, logic và có tính khả thi nhất định. Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ mối tương quan với quy chuẩn quốc gia hiện hành.

Khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, chúng ta cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện. Ví dụ: nếu hiện tại nồng độ trung bình năm đang ở mức khoảng 48 µg/m³, trong khi quy chuẩn quốc gia là 25 µg/m³ (tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn Trung Quốc), thì mục tiêu giảm 20% sẽ đưa mức này xuống khoảng 38 µg/m³, tức là vẫn còn cách xa chuẩn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phân tích vấn đề khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, chúng ta cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phân tích vấn đề khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, chúng ta cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện. Ảnh: Khương Trung

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng cho rằng, cần có lộ trình dài hơi hơn. Nhìn sang Trung Quốc, họ từng có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn chúng ta rất nhiều và đã mất hơn 10-20 năm để đạt được cải thiện đáng kể nhờ vào sự quyết liệt và đầu tư lớn. Trong khi đó, Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu, nếu hành động sớm thì chi phí có thể thấp hơn, thời gian rút ngắn hơn. Vì vậy, thay vì chỉ đặt mục tiêu giảm phần trăm, chúng ta nên đặt các mốc cụ thể.

Theo Bộ trưởng, mức hiện tại của Việt Nam là 48 µg/m³, vậy đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 giảm 20%, còn 38 µg/m³; Giai đoạn 2030-2035 giảm tiếp 20%, còn khoảng 30 µg/m³. Đến 2035 hoặc sau đó đạt mục tiêu lý tưởng là 25 µg/m³, ngang bằng quy chuẩn hiện hành. Trên thực tế có thể chưa đạt được ngay quy chuẩn quốc gia hiện hành, nhưng nếu xác lập được lộ trình tiến tới ngưỡng này, hoặc thậm chí tiếp cận ngưỡng nghiêm ngặt hơn như của Trung Quốc (hiện là 35 µg/m³), thì đó cũng đã là thành công lớn.

Để giảm nồng độ bụi mịn từ 10-20%, cần xác định rõ và hành động cụ thể với từng nhóm nguồn phát thải. Việt Nam hiện đã có dữ liệu tương đối đầy đủ về tỉ trọng phát thải từ các lĩnh vực: giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp… Điều quan trọng là cần phân loại, khoanh vùng rõ ràng để xây dựng giải pháp phù hợp.

Trong nông nghiệp, việc xử lý phụ phẩm nếu được thực hiện tốt bằng cách đưa vào chuỗi tuần hoàn hoặc sản xuất năng lượng có thể loại bỏ hầu như hoàn toàn phát thải mà không ảnh hưởng đến sản xuất. Đây là lĩnh vực giàu tiềm năng, cần được đầu tư đúng mức.

Giao thông, một nguồn phát thải lớn, Bộ trưởng đề nghị cũng cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng. Ví dụ, nếu mục tiêu là đến năm 2035 loại bỏ xe máy chạy xăng, thì ngay từ năm 2030 phải dừng đăng ký mới loại xe này. Việc này cho phép 5 năm tiếp theo là giai đoạn chuyển tiếp, thay thế dần xe máy xăng.

Tương tự với ô tô, xe buýt cũng cần chuyển đổi. Mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt sử dụng điện, khí nén thiên nhiên (CNG) hoặc nhiên liệu sinh học là hợp lý và cần quyết liệt thực hiện.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng đánh giá rất cao ý kiến của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và đề xuất, cần chia ra làm 2 giai đoạn rõ ràng. Trong đó, giai đoạn đầu (2 năm) tập trung thu thập số liệu, đánh giá thực trạng; giai đoạn sau (3 năm) triển khai các biện pháp cụ thể. Việc làm rõ các giai đoạn sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai, cũng như theo dõi, đánh giá tiến độ một cách thực chất hơn.

PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, ĐH Bách Khoa Hà Nội nêu ý kiến, cần thể hiện cụ thể hơn các chỉ tiêu, thay vì chỉ nêu mục tiêu giảm chung chung. Ví dụ, nếu đặt mục tiêu giảm 35% nồng độ PM2.5 thì cần ghi rõ so với năm nào, trung bình theo giờ hay theo ngày, tại khu vực nào. Các con số này không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý mà còn rất quan trọng với truyền thông và cộng đồng.

Bên cạnh cắt giảm phát thải, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, nền tảng không thể thiếu là đầu tư vào hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Đây là điều kiện tiên quyết để hoạch định chính sách, giám sát hiệu quả và đánh giá kết quả.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi có nguồn thu từ đất đai tương đối lớn hoàn toàn có đủ điều kiện tài chính để đầu tư đồng bộ hệ thống quan trắc. Bình Dương cũng là địa phương có tiềm lực. Chỉ cần quyết tâm chính trị và giao nhiệm vụ cụ thể, hệ thống quan trắc hiện đại hoàn toàn có thể được triển khai trong 5 năm.

Chi phí đầu tư cho hệ thống này không lớn nếu so với đầu tư hạ tầng khác. Một km đường cao tốc hiện nay tiêu tốn khoảng 200-250 tỷ đồng. Với mức kinh phí tương đương vài km đường cao tốc, có thể đầu tư hoàn chỉnh hệ thống quan trắc không khí cho cả một thành phố lớn.

Cuối cùng, mấu chốt là cách tiếp cận. Nếu tiếp tục làm theo kiểu chắp vá, “hôm qua một chút, hôm nay thêm chút nữa”, thì không bao giờ có hệ thống hoàn chỉnh. Cần một kế hoạch tổng thể, đồng bộ và quyết liệt, đúng như tinh thần “đã làm là phải làm cho xong, làm có kết quả” mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh.

Nhiều địa phương có tình trạng, có trạm quan trắc nhưng không có số liệu vì thiếu kinh phí vận hành.

Nhiều địa phương có tình trạng, có trạm quan trắc nhưng không có số liệu vì thiếu kinh phí vận hành

Trong lĩnh vực quan trắc, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng chia sẻ, dù cả nước có hơn 100 trạm quan trắc nhưng thực tế vẫn có những địa phương “có trạm nhưng không có số liệu” do không có kinh phí vận hành, bảo dưỡng. Đây là một bất cập cần phải thay đổi trong thời gian tới.

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, cần bổ sung nội dung yêu cầu sử dụng công nghệ như cảm biến, camera giám sát, dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý phát thải và theo dõi chất lượng không khí.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận