Giáo dục tiểu học năm học 2021 - 2022: Nỗ lực, củng cố, duy trì chất lượng giáo dục

Chiều 12/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục tiểu học. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.
14/08/2022 08:02

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm trong năm học 2021-2022, giải quyết những vấn đề xuất hiện từ thực tiễn, tìm ra các giải pháp để thực hiện chất lượng, hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học vào năm học 2022-2023.

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đây cũng là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp tiểu học. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, khoảng gần 9 triệu học sinh tiểu học theo từng giai đoạn khác nhau đã phải tạm dừng đến trường.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động dạy học, giai đoạn đầu năm học, nhiều học sinh phải học trực tuyến để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều địa phương đã đón học sinh trở lại trường học tập nhưng chưa được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Vượt lên những khó khăn đó, Bộ GDĐT đã chủ động, kịp thời chỉ đạo toàn ngành chuyển trạng thái hoạt động, ứng phó với dịch bệnh nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.

Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục hướng đến mục tiêu củng cố, duy trì chất lượng giáo dục tiểu học.

Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, nhưng các địa phương đã nỗ lực, tích cực, chủ động thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; các điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ; xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp các trường và bố trí số lượng học sinh/lớp theo quy định. Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần được khắc phục.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh kết quả đạt được từ mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Công tác kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục cũng như nâng cao chất lượng trường tiểu học nhằm đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các địa phương đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 40%.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục tiểu học và tiếp tục thực hiện đảm bảo an toàn trường học trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt triển khai chương trình, kế hoạch năm học để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục tiểu học.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; thực hiện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 4 trong năm học 2023-2024 nhất là bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 4 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; phấn đấu bảo đảm học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và học liệu, đề xuất kiến nghị với Bộ GDĐT nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các nhà trường cùng sự quan tâm của gia đình, xã hội đối với ngành giáo dục trong một năm học đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học 2022-2023, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chuyển từ nền giáo dục chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng.

Từ những kết quả năm học 2021-2022, Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục củng cố kiến thức cho học sinh trong năm học tới bởi việc học trực tuyến năm học vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học. Cùng với đó là việc đổi mới phương pháp, cách dạy cách học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh xã hội hóa, tận dụng các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác kiểm định giáo dục, xây dựng nền giáo dục có chất lượng. Bên cạnh đó là quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Trung tâm Truyền thông giáo dục

comment Bình luận

largeer