Hà Nội: Cấp cứu nam bệnh nhân bị chảy máu cuống não sau cơn đau đầu dữ dội

Đột ngột đau đầu dữ dội, mờ mắt Anh Hồ Xuân P (53 tuổi) ở Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Tại đây, anh được chẩn đoán chảy máu cuống não/ viêm gan B/ xơ gan/ rối loạn đông cầm máu.
06/09/2024 14:06

Vừa qua, ngày 18/7/2024, Bệnh viện đa khoa Sơn tây tiếp nhận bệnh nhân Hồ Xuân P (53 tuổi) ở Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội trong tình trạng đau đầu dữ dội, nôn nhiều. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết cuống não. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị viêm gan B, xơ gan, rối loạn đông cầm máu.

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tiến hành hội chẩn lãnh đạo để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên, vì bệnh nhân bị xuất huyết cuống não và có nhiều bệnh nền nên tiên lượng rất nặng nên gia đình xin chuyển lên tuyến trên.

Ngay trong ngày bệnh nhân được chuyển lên một bệnh viện tuyến trung ương nhưng tại đây các bác sĩ cũng tiên lượng bệnh nhân rất nặng, tử vong bất cứ lúc nào nên giải thích gia đình cho về tuyến dưới điều trị tiếp.

phong-cap-cuu

(Ảnh minh họa)

Bệnh nhân được nhập viện vào khoa Hồi sức cấp cứu lần 2 trong tình trạng hôn mê, Glasgow 6 điểm, thở theo máy, liệt hoàn toàn ½ người trái, mạch 102l/phút, huyết áp 120/80mHg. Hình ảnh MRI sọ não: Hình ảnh giãn kèm tụ máu trong não thất bên và não thất IV, túi phình động mạch cảnh trong trái đoạn siphone. Kết quả sinh hóa máu: Cre/ure: 84/1.3, GOT/GPT:187/104, Bil TP/BilTT: 80/42,7, NH3 64,3, Alb: 34,3, Na/K: 138/3,7. Công thức máu: HC 3,4, BC: 8,7, TC: 130. Chẩn đoán: Chảy máu cuống não ICH phải, viêm phổi, xơ gan, viêm gan B, rối loạn đông máu. Bệnh nhân được hồi sức và điều trị tích cực dùng thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, chăm sóc đặc biệt kèm tập vận động phục hồi chức năng. Sau 45 ngày điều trị dành giật giữa cái sống và cái chết bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình trong tình trạng tỉnh táo, giao tiếp tốt, đi lại vận động tốt, ăn uống ngủ nghỉ tốt, các chức năng được duy trì trong chỉ số ổn định.

BS.CK1. Đào Ngọc Linh - người trực tiếp cùng ê kíp cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân chia sẻ: "Đột quỵ xuất huyết não có tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao, do đó, khi thấy người thân có các triệu chứng như đau đầu dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn, co giật, rối loạn ý thức, cần đưa ngay đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ để xử trí kịp thời, tránh những nguy cơ đáng tiếc".

Xuất huyết não trước đây chủ yếu gặp ở nhóm người cao tuổi (độ tuổi trung bình là 50-70 tuổi), thường có tiền sử bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhất là những người không điều trị liên tục hằng ngày. Tuy nhiên, hiện nay, đột quỵ (cả nhồi máu não và xuất huyết não) đang gia tăng ở người trẻ. Do đó, việc đi khám định kỳ và “tầm soát đột quỵ” ít nhất 6 tháng/lần để biết tình hình sức khỏe của bản thân là rất cần thiết. Những người có nguy cơ đột quỵ cao như người bị dị dạng mạch máu não, phình/hẹp tắc động mạch, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, người bị rối loạn đông máu, người có bệnh lý về gan, u não, người có tiền sử béo phì, cholesterol trong máu cao, xơ vữa động mạch… nên tiến hành “tầm soát nguy cơ đột quỵ”. Người trẻ nếu thường xuyên xuất hiện triệu chứng đau đầu, dù chỉ là đau đầu thoáng qua, cũng không nên chủ quan. Bởi vì, nếu chủ quan và đột quỵ xuất huyết não xảy ra, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn – như vậy chính là mạo hiểm với tính mạng, cuộc sống của mình.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer