Hà Nội: Huyện Mỹ Đức xây 'tường thành' vững chắc phòng chống dịch COVID-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những ngày qua chính quyền và người dân huyện Mỹ Đức đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan vào khu dân cư trên địa bàn. Sự chung sức, đồng lòng của người dân và cán bộ huyện Mỹ Đức đã tạo "thành lũy" bảo vệ thành quả phòng, chống dịch COVID-19.
20/08/2021 09:14

Chặn đứng dịch bệnh

Ngày 5/7, CDC Hà Nội báo tin thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức có ca bệnh mắc COVID-19 đầu tiên. Những ngày liên tiếp sau đó, 9 ca bệnh mắc COVID-19 được CDC thông báo đều là người trong cùng gia đình ở thôn Kinh Đào. Đến ngày 20/7, trên địa bàn huyện tiếp tục ghi nhận 6 ca bệnh mắc COVID-19 là người ở thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, đều trong cùng một gia đình. Tất cả 16 bệnh nhân mắc COVID-19 của hai địa phương này đến nay đều đã được điều trị khỏi bệnh. Hiện địa bàn huyện Mỹ Đức chỉ còn 1 ca bệnh mắc COVID-19 là chị Nguyễn Thúy L. ở thôn Khảm Lâm, xã Phúc Lâm đang được điều trị tại bệnh viện.

41

Lãnh đạo huyện Mỹ Đức thường xuyên đi kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch trên địa bàn

Theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch COVID-19 vào địa bàn, ngày 24/7, huyện Mỹ Đức đã thiết lập 89 chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19, ứng trực tại các cửa ngõ ra, vào huyện và địa bàn giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Nam. Phóng viên có mặt tại chốt kiểm soát khu vực cầu Ba Thá sáng 17/8, chứng kiến lực lượng liên ngành huyện đang làm nhiệm vụ dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt mới thấy được nỗi vất vả của  cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Lâm Phạm Quý Ba cùng 3 thành viên tổ công tác trực chốt ở khu vực cầu Ba Thá chia sẻ: Lưu lượng người tham gia giao thông đi qua địa bàn rất hạn chế, đa phần đều có đủ giấy đi đường. Người dân đi qua đây rất tuân thủ quy định về phòng chống dịch, chính vì vậy lực lượng chức năng cũng ít khi phải nhắc nhở. “Tuy nhiên, do hiện nay xã Phúc Lâm và xã Viên An (huyện Ứng Hòa) đều có ca bệnh mắc COVID-19 đang phải điều trị tại bệnh viện, nên việc ứng trực kiểm soát người đi lại qua địa bàn được làm nghiêm ngặt, không để lọt bất cứ trường hợp nào đi ra, vào mà chưa qua kiểm soát'' - ông Ba khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên về nỗi vất vả của cán bộ và người dân địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngày 29/7, ngay khi xuất hiện ca bệnh mắc COVID-19, UBND xã đã tăng cường rào chắn lập chốt cứng, chốt mềm tại các ngõ xóm 6 thôn. Trong đó, tại thôn Khảm Lâm, chốt ở đầu làng được lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ còn kiểm soát chặt chẽ người và xe ô tô ra vào vận chuyển trứng gia cầm của các hộ trong thôn đi tiêu thụ. Ngoài ra, những ngày qua cán bộ địa phương còn thực hiện nhiệm vụ tìm đầu mối tiêu thụ, vận chuyển hàng tấn rau xanh của người dân trong xã đi tiêu thụ mỗi ngày.

40

Anh Nguyễn Văn Bòng thôn Khảm Lâm, xã Phúc Lâm hàng ngày thu hoạch trứng để chờ xe ô tô của doanh nghiệp đến chở đi tiêu thụ trong những ngày giãn cách xã hội

Không còn lo lắng

Anh Nguyễn Văn Bòng là một trong những hộ chăn nuôi gà siêu đẻ với quy mô lớn ở thôn Khảm Lâm, xã Phúc Lâm. Anh chia sẻ, mấy ngày đầu giãn cách xã hội toàn TP, giá trứng bán ra rất thấp, người dân ai cũng lo lắng. Cùng với đó, do việc đi lại gặp khó khăn, nên ngày nào cũng phải ngóng chờ xe ô tô của doanh nghiệp đến vận chuyển trứng. Tuy nhiên, nhờ UBND TP kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương thống nhất trong việc cấp giấy đi đường và cấp giấy cho xe "luồng xanh" vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nên việc vận chuyển đã thuận tiện giúp các loại trứng được tiêu thụ nhanh hơn với giá cả gần bằng giá khi chưa thực hiện giãn cách xã hội.

 Liền kề với nhà anh Bòng là khu chăn nuôi chim cút đẻ của chị Nguyễn Thị Đạo. Chị Đạo vừa thoăn thoắt tay kéo bộ tời để thay phân chim hồ hởi cho biết: "Mấy ngày đầu giãn cách xã hội toàn TP, tất cả khu vực chăn nuôi của thôn rất ảm đạm bởi giá trứng xuống thấp, tiêu thụ lại khó khăn. Đến nay thì khác rồi, hộ nào cũng vui vẻ làm tốt việc chăn nuôi, vì giá trứng và sức tiêu thụ tăng dần. Ngày nào cũng vậy, xe ô tô tải qua chốt kiểm soát đầu làng làm xong thủ tục theo quy định trong công tác phòng chống dịch rồi chạy thẳng vào khu trại nuôi gà, chim xếp trứng lên xe vận chuyển đi tiêu thụ, cả người bán và người mua đều rất vui vẻ".

Rời xã Phúc Lâm chúng tôi đến xã Lê Thanh, một trong những là địa phương có hơn 50ha đất nông nghiệp chuyên canh các loại rau xanh lớn nhất huyện. Hồ hởi đón tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Phạm Trọng Của cho biết, những ngày đầu giãn cách xã hội người dân trong xã ai cũng lo lắng vì nhà cách ly với nhà, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã… nên việc tiêu thụ rau xanh hàng ngày chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi hẹp. Tuy nhiên sau khi các sở, ngành TP hướng dẫn địa phương trong việc xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông sản, rau xanh phục vụ đời sống người dân trong những ngày giãn cách xã hội, phòng Kinh tế huyện lập tức hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn chia sẻ, việc tiêu thụ hàng chục tấn rau xanh của một số xã trong huyện thời gian giãn cách xã hội vừa qua cũng chỉ được tiêu thụ ở phạm vi trong địa phương, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và thuận tiện cho công tác kiểm soát dịch bệnh nếu chẳng may có ca bệnh mắc. Tuy nhiên, vẫn hỗ trợ được người dân các vùng chuyên canh rau xanh và chăn nuôi trong huyện tiêu thụ sản phẩm, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm đảm bảo ổn định sản xuất, chăm lo đời sống người dân. Cùng với đó, huyện còn hỗ trợ 6 quận nội đô hàng chục tấn rau xanh và hàng trăm nghìn quả trứng gà.

39

Chốt trực phòng chống dịch COVID-19 ở thôn Khảm Lâm được kiểm soát 24/24 giờ

Bảo vệ thành quả

Những giọt mồ hôi thấm đẫm áo, nhưng gương mặt Trung tá Cao Minh Đức - Trưởng Công an xã An Mỹ vẫn tươi cười chuyện trò với phóng viên. Anh là một trong những cán bộ bám chốt trực từ ngày 5/7 khi chốt kích hoạt. Anh Đức cho biết, hôm nào cũng vậy, 5 cán bộ công an xã cùng cán bộ Công an huyện cũng phải căng mình trực tại các chốt và cùng cán bộ y tế, tổ COVID cộng đồng đi truy vết, yêu cầu người dân khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Hoàn thành thời gian trực chốt cách ly y tế thôn Kinh Đào, công an xã lại tiếp tục trực chốt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP suốt từ đó đến nay.

"5 anh em công an xã chúng tôi vừa hoàn thành xong việc lập hồ sơ dữ liệu dân cư và phối hợp cùng đội nghiệp vụ công an huyện cấp thẻ căn cước cho công dân còn chưa kịp hồi sức, những ngày qua lại phải đồng hành cùng với chính quyền địa phương vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 ngay tại địa bàn. Thời gian qua tuy khá vất vả nhưng lại thấy vinh dự được trực chiến tại tuyến đầu, canh gác trận địa không để dịch COVID-19 quay lại xã một lần nữa"- Trung tá Cao Minh Đức chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, UBND huyện đã sớm thiết lập 89 chốt (6 chốt liên tỉnh, 6 chốt liên huyện và các chốt liên xã…) kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn và việc cung ứng, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm; đảm bảo an sinh xã hội, trợ cấp cho các đối tượng chính sách. Ngoài ra còn có các tổ tuần tra, kiểm soát những tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ để xử lý tình huống bất thường trong những ngày giãn cách. Tuy hàng ngày anh em cán bộ rất vất vả nhưng vẫn quyết tâm kiểm soát địa bàn. Quá trình tuần kiểm tra từ ngày 24/7 đến nay lực lượng chức năng còn xử phạt gần 370 trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch và Chỉ thị 17 của UBND TP với số tiền hơn 550 triệu đồng.

38

 Những thửa ruộng rau xanh tại xã Lê Thanh hàng ngày vẫn được thu hoạch cung ứng cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất

Ông Phạm Trọng Nhụ (64 tuổi), thành viên chốt trực tự quản thôn Đức Thụ, xã Lê Thanh phấn khởi bộc bạch: “Tham gia trực chốt gần tháng nay rồi nhưng chưa khi nào tôi thấy mỏi mệt, bởi được góp phần công sức nhỏ bé của mình cùng chính quyền và Nhân dân địa phương kiểm soát các phương tiện của doanh nghiệp ra vào địa bàn vận chuyển tiêu thụ rau xanh cho người dân. Mong muốn cuối cùng của anh em trực chốt là quyết tâm không để dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn. Bà con trong thôn ai cũng ủng hộ công việc làm của chúng tôi sẽ mang lại sự yên tâm tuyệt đối cho chính người dân.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, Mỹ Đức là địa phương có các tuyến đường giao thông huyết mạch giáp ranh với tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, cùng với đó còn giáp ranh với nhiều huyện trong TP luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Do đó, từ rất sớm lãnh đạo huyện đã nâng mức cảnh báo, xây dựng các chốt kiểm soát ở các tuyến đường trọng điểm và tại các thôn, xóm, khu dân cư. Hiện tại, huyện đang kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ thành công nhiều địa bàn. Các địa phương có ổ dịch khi được phát hiện đã kịp thời kiểm soát, truy vết, khoanh vùng không để dịch bệnh lây lan.

Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình với tinh thần “chia lửa” cùng tuyến đầu chống dịch, hàng nghìn đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị, đoàn thể huyện Mỹ Đức cũng đang tham gia vào các chốt trực tại các thôn, xóm. Đồng thời, chuyển những món quà nho nhỏ là những chai nước, hộp bánh, đĩa hoa quả… để động viên các chốt trực. Tại nhiều xã, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, công đoàn viên còn thức khuya, dậy sớm chuẩn bị những suất ăn sáng, bữa ăn đêm cho lực lượng kiểm soát dịch bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Cùng với đó, để hỗ trợ tối đa lực lượng tham gia chốt bảo vệ khu dân cư các thôn, các cơ quan, đoàn thể và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mỹ Đức cũng đã triển khai nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực đồng hành cùng nhau phòng chống dịch COVID-19.

Theo KTVĐT

comment Bình luận

largeer