Hà Nội là nơi có chỉ số ô nhiễm bụi mịn cao nhất trong cả nước

Theo báo cáo mới đây (ngày 1/12) của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong số 10 tỉnh miền Bắc có nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình năm vượt tiêu chuẩn cho phép, TP Hà Nội có chỉ số ô nhiễm cao nhất.
06/12/2021 16:49

 

60

Nhiều nơi trên cả nước, chỉ số ô nhiễm bụi mịn luôn vượt ngưỡng cho phép nhiều lần

Theo báo cáo mới đây (ngày 1/12) của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong số 10 tỉnh miền Bắc có nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình năm vượt tiêu chuẩn cho phép, TP Hà Nội có chỉ số ô nhiễm cao nhất.

Đây là báo cáo về chỉ số ô nhiễm bụi mịn đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên phạm vi toàn quốc, sử dụng mô hình học máy thống kê ảnh hưởng hỗn hợp, kết hợp với ảnh vệ tinh để đo chất lượng không khí cả ở những điểm không có trạm đo.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh công tác tại Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn, nên đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về ô nhiễm không khí cả về không gian và thời gian. Đây là báo cáo đầu tiên cung cấp thông tin hiện trạng bụi PM2.5 không chỉ tại thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà của tất cả 63 tỉnh/thành phố".

Theo đó, chất lượng không khí trên toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện hơn so với 2019. Tuy nhiên, nếu so sánh với nồng độ bụi PM2.5 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 (5 µg/m3) và năm 2005 (10 µg/m3), nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019 – 2020 đều vượt nhiều lần các mức khuyến nghị này.

Trong đó, đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh , TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương là các vùng có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất trong cả nước.

Kết quả cho thấy năm 2020, Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất. Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình năm là 25 μg/m3. Tuy nhiên cả hai năm 2019-2020 Hà Nội đều vượt, trong đó có đến 29/30 quận, huyện và thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 ở mức cao.

59

Có những ngày, nồng độ ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội ở mức có hại cho sức khỏe người dân

Trong 12 quận nội thành, nồng độ bụi dao động trong khoảng từ 31,5 μg/m3 đến 32,9 μg/m3, cao nhất tại quận Hai Bà Trưng (32,9 μg/m3) và thấp nhất là Hà Đông (31,5 μg/m3).

Tại TP Hồ Chí Minh, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc. Dấu hiệu đáng mừng là nồng độ trung bình năm 2020 của thành phố vẫn thấp hơn giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT, và giảm 13% so với nồng độ trung bình năm 2019.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, mỗi phương pháp quan trắc (quan trắc bằng thiết bị lấy mẫu, hay bằng vệ tinh, trạm tiêu chuẩn và thiết bị cảm biến) đều có những ưu điểm và hạn chế riêng về chất lượng dữ liệu, độ phủ của thiết bị, chi phí... Chính vì vậy, để làm dày dặn cơ sở dữ liệu chất lượng không khí, Việt Nam cần kết hợp nhiều công nghệ trong quan trắc.

Trong đó, cần tập trung vào ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành. Đồng thời, tăng cường mạng lưới trạm quan trắc chất lượng không khí tiêu chuẩn của nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác.

Việt Nam cần đẩy mạnh các nghiên cứu để xác định đóng góp nguồn thải bụi PM2.5 và cho các chất ô nhiễm không khí khác, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố đang bị ô nhiễm bụi như kết quả báo cáo nêu ra, từ đó có chính sách phù hợp và hiệu quả trong kiểm soát các nguồn thải chính.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, 40% tỉnh thành miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn là áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách.

TS Tùng cho rằng, mỗi địa phương cần có chính sách cụ thể, giải pháp tập trung vào nguyên nhân phát sinh ô nhiễm.

Vẫn theo TS Tùng, Việt Nam cần chuẩn bị sớm thực hiện kiểm kê khí thải, nhận diện nguồn thải để có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay.

Trong khi đó theo PGS. TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, chúng ta đặc biệt cần xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới từng quận/huyện/thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi PM2.5 nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các ưu tiên, mục tiêu cụ thể và giải pháp quản lý chất lượng khô khí phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo Đại Đoàn Kết

comment Bình luận

largeer