Hà Nội: Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng

Bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch 486/KH-SYT về hoạt động phục hồi chức năng (PHCN) năm 2025.
17/02/2025 12:12

Với mục tiêu tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, Sở Y tế đề ra chỉ tiêu cụ thể là trên 75% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 75% xã, phường, thị trấn triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng.

Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở PHCN với trên 75% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: Bệnh viện phục hồi chức năng; trung tâm phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển. 100% trạm y tế xã có nhân viên y tế được phân công phụ trách chương trình, được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về PHCN để cung cấp dịch vụ PHCN ban đầu.

Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng với yêu cầu Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. 80% các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, PHCN.

Phát triển nguồn nhân lực PHCN bằng cách tăng cường đào tạo, tuyển dụng nhân lực y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN.

phcn

(Ảnh minh họa: Sở Y tế Hà Nội)

Để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành y tế tập trung vào nâng cao năng lực của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội – đơn vị đầu ngành về PHCN; duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển các trung tâm, khoa PHCN của các cơ sở y tế; khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở PHCN ngoài công lập.

Tăng cường chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới. Mở rộng triển khai danh mục kỹ thuật PHCN trong các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với mô hình cung cấp dịch vụ theo phân tuyến chuyên môn. Chú trọng phát triển các kỹ thuật PHCN đa ngành, chuyên sâu để cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện.

Phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN; thực hiện các chương trình, đề án, dự án về PHCN, trong đó chú trọng phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cung cấp dịch vụ PHCN, phòng ngừa khuyết tật, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người khuyết tật đúng quy định. Triển khai các biện pháp sàng lọc, tư vấn sinh sản phù hợp, hiệu quả để phát hiện sớm các dạng khuyết tật trước và sau sinh.

Đánh giá nhu cầu sử dụng các biện pháp can thiệp PHCN trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh. Các biện pháp can thiệp phải được thực hiện liên tục, toàn diện theo các giai đoạn tiến triển của bệnh tật. Sử dụng kỹ thuật vận động trị liệu, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu, chỉnh hình, thiết bị y tế, dụng cụ PHCN và các biện pháp can thiệp khác.

Các bệnh viện tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, phát hiện sớm và can thiệp PHCN phù hợp với nhu cầu của người bệnh.

Tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức khám phát hiện khuyết tật, phân loại và lập kế hoạch can thiệp sớm tại địa phương, chuyển tuyến điều trị và PHCN cho người khuyết tật theo quy định. Lập danh sách, phát hiện những người tàn tật, phân loại các nhóm khuyết tật để quản lý. Người khuyết tật được thăm khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm. Thực hiện lồng ghép các hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng với hoạt động của các chương trình y tế khác.

Tất cả 579 xã, phường, thị trấn thực hiện PHCN tại nhà cho người khuyết tật, theo dõi định kỳ, hướng dẫn PHCN cho người khuyết tật, đánh giá sự tiến bộ của người khuyết tật, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế giáo dục, lao động và các hoạt động xã hội khác.

Ngành y tế cũng đặc biệt coi trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng để mọi người biết cách chủ động phát hiện, phòng ngừa khuyết tật và những người khuyết tật được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, PHCN cũng như các dịch vụ khác của cộng đồng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối giữa các tuyến để hỗ trợ chăm sóc, PHCN liên tục và lâu dài.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội – chuyên khoa đầu ngành PHCN thường trực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, hoạt động chuyên khoa đầu ngành PHCN trên địa bàn thành phố để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa thành phố, bệnh viện huyện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đúng phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng ngừa khuyết tật, PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng…Đồng thời, Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp để thực hiện hiệu quả các nội dung hoạt động về PHCN được triển khai tại các địa phương.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer