Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân bùng phát bệnh nấm phổi do tự ý dừng thuốc điều trị

Bệnh nhân B.Đ.V, 62 tuổi ở Hưng Yên bị nấm phổi cách đây 3 tháng. Sau điều trị ổn định, ông V. được cho thuốc uống tiếp tục điều trị nấm phổi tại nhà. Tuy nhiên trong quá trình dùng thuốc, thấy hiện tượng ra mồ hôi, ông V. đã tự ý dừng thuốc.
01/03/2023 21:04

BS Nguyễn Mai Anh, Khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết, ông V. là bệnh nhân cũ của khoa. 3 tháng trước, bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị bệnh nấm phổi xâm lấn. Thời điểm đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt liên tục, ho nhiều, có đờm, mệt mỏi, khó thở. Trên phim chụp, bệnh nhân có tổn thương phổi, nhiều nốt, tạo hang hai bên, xét nghiệm máu cho thấy nhiễm trùng tăng. Khi kiểm tra chuyên sâu, nuôi cấy dịch phế quản, bệnh nhân V. được xác nhận mắc nấm phổi xâm lấn Aspergillus. Ngay lập tức bệnh nhân được cho truyền thuốc chống nấm, khi tình trạng ổn định bệnh nhân V. được cho xuất viện và tiếp tục điều trị tại nhà bằng thuốc uống.

Tuy nhiên, cách đây vài tuần, bệnh nhân tự ý dừng thuốc và đã nhập viện trở lại với đợt bùng phát bệnh nấm phổi mới. "Đợt điều trị lần này khó khăn hơn đợt trước. Nếu bệnh nhân đáp ứng thuốc sẽ phải truyền thuốc trong 2 tuần và tiếp tục đánh giá", BS Mai Anh cho biết.

BS Nguyễn Mai Anh khám cho bệnh nhân V. Ảnh: Sức khỏe đời sống

BS Nguyễn Mai Anh khám cho bệnh nhân V. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Bác sĩ điều trị của bệnh nhân V. cho biết thêm, hiện nay thuốc điều trị chống nấm khá đắt và ít loại, nên nếu bệnh nhân không đáp ứng loại thuốc đang dùng, có khả năng phải đổi thuốc. "Có thuốc chống nấm lên đến 10 triệu đồng một ngày và phải dùng kéo dài 2 tuần, chi phí điều trị trong 2 tuần đó mất khoảng 140 triệu", BS Mai Anh nói. Sau đó, người bệnh sẽ phải tiếp tục điều trị duy trì bằng thuốc.

Giám đốc BV Phổi Trung ương TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Với bệnh nấm phổi mạn tính, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia có gánh nặng bệnh nấm trên toàn cầu với khoảng 55.000 ca mắc. Tuy nhiên số trường hợp được phát hiện và điều trị rất thấp, chỉ vài nghìn trường hợp.

TS.BS Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết, nấm phổi nếu được phát hiện và điều trị sớm hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Nếu phát hiện muộn, người bệnh có thể phải phẫu thuật, điều trị thuốc dài ngày. Thuốc điều trị nấm rất ít loại, chi phí rất cao nên sẽ tạo gánh nặng tài chính lớn với người bệnh nếu mắc bệnh.

Bệnh nấm phổi thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, người bị bệnh đái tháo đường, lao, đặc biệt là ung thư máu. Nấm phổi cũng có thể gặp ở người bình thường, hoàn toàn khoẻ mạnh. Tuy nhiên căn bệnh này rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác như bệnh lao bởi có triệu chứng giống lao.

TS.BS Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết, để phòng bệnh nấm phổi, người dân cần tăng cường vệ sinh môi trường cả trong và ngoài nhà. Tránh môi trường ẩm ướt, dễ gây các bệnh nấm.

Theo Sức khỏe đời sống

comment Bình luận

largeer