Hai mảng đối lập trong bức tranh COVID-19 toàn cầu

Trong khi Mỹ và Anh tràn đầy hy vọng về tương lai hậu COVID-19, những nơi khác trên thế giới vẫn quay cuồng vì đại dịch và cơn khát vaccine.
03/06/2021 15:09

 Cuộc sống tại Mỹ đang trên đà bình thường hóa. Nhà hàng và quán bar đông đúc trở lại, người dân đặt chỗ đi nghỉ mát, các hãng hàng không bán hết vé. Trong các sự kiện thể thao, những khán giả không đeo khẩu trang ôm nhau và reo hò cổ vũ. Ngày Chiến sĩ trận vong, thời điểm đất nước bắt đầu vào hè, được kỷ niệm trong không khí vui vẻ và nhiều tiệc nướng gia đình hơn so với năm ngoái.

Lý do xuất phát từ thực tế là đa số người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19. Số ca nhiễm và tử vong mới hàng ngày đều đang ở mức thấp nhất trong gần một năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái mở cửa, chính quyền địa phương nới lỏng các biện pháp hạn chế. Đối với nhiều người Mỹ, đại dịch đang lùi dần về phía sau.

anh

Một người Mỹ cưỡi mô tô gắn quốc kỳ ở thủ đô Washington hôm 26/5

Anh, một trong những nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng COVID-19 nhanh nhất châu Âu, cũng đang dần mở cửa lại nền kinh tế theo kế hoạch. Gần 39,5 triệu trong tổng số hơn 66,8 triệu dân Anh đã tiêm ít nhất một liều vaccine . Hôm 1/6, Anh không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 mới nào, lần đầu tiên kể từ ngày 30/7/2020.

"COVID-19 sẽ không kết thúc bằng một tiếng pháo hay cuộc diễu hành", Devi Sridhar, chủ tịch phụ trách y tế cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, Scotland, cho biết. "Xuyên suốt lịch sử, các đại dịch chấm dứt khi căn bệnh không còn chi phối cuộc sống hàng ngày, lui về sau như những thách thức y tế khác".

Tuy nhiên, ngoài một số nước như Mỹ và Anh, COVID-19 ở những nơi khác vẫn chưa hạ nhiệt. Sự xuất hiện của những biến chủng nCoV mới bắt nguồn từ các nước như Ấn Độ và Brazil, cùng công tác tiêm chủng chậm chạp, dẫn đến làn sóng đại dịch mới đầy chết chóc. Số ca nhiễm nCoV toàn cầu trong năm 2021 đã vượt năm 2020. Điều tương tự gần như chắc chắn sẽ xảy ra với số ca tử vong.

Đông Nam Á, nơi từng là "thành trì" chống COVID-19 giữa lúc virus tàn phá các nước phương Tây, giờ đây chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến.

Malaysia đang ghi nhận số ca nhiễm mới trên một triệu người cao hơn bất kỳ quốc gia quy mô trung bình hoặc lớn nào khác ở châu Á, vượt qua cả Ấn Độ, điểm nóng COVID-19 toàn cầu. Hôm 1/6, chính phủ Malaysia áp lệnh phong tỏa toàn quốc dự kiến kéo dài hai tuần. Một ngày sau, nước này báo cáo số ca tử vong mới cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

"Nền kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Người dân, những người còn sống, thậm chí sẽ phải chịu đựng nhiều hơn. Nhiều người đang dần gục ngã và sẽ chết. Chúng tôi đang đứng bên vực thẳm", nhà báo Munir Majid viết trên tờ New Straits Times của Malaysia.

Tại châu Phi, nỗi lo ngại cũng đang gia tăng về khả năng đổ bộ của làn sóng đại dịch mới, trước mối đe dọa từ biến chủng virus lây lan mạnh hơn. Hệ thống y tế của nhiều quốc gia có nguy cơ bị nhấn chìm nhanh chóng nếu số ca nhiễm tăng vọt. Theo một nghiên cứu gần đây, châu lục này ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới trong những ca COVID-19 nghiêm trọng, do số cơ sở chăm sóc tích cực và nguồn cung vật tư y tế quan trọng như oxy bị hạn chế.

india-covid-funeral-AP-270521-6316-1622696696

Gia đình một bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại lò hỏa táng ở thành phố Srinagar, Ấn Độ

COVID-19 cũng hoành hành tại nhiều khu vực ở Mỹ Latinh, phần lớn không có dấu hiệu suy giảm. Peru hiện báo cáo tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên đầu người cao nhất thế giới, theo số liệu vừa được chính phủ nước này điều chỉnh. Bất chấp tình hình dịch bệnh, Peru dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống vào cuối tuần này.

Ngay cả tại Đông Á, nơi từng tập hợp những hình mẫu chống dịch của thế giới, virus cũng trỗi dậy. Đảo Đài Loan ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt trong tháng qua. Nhiều khu vực ở Nhật Bản, bao gồm thủ đô Tokyo, vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Nước này dự định tổ chức Thế vận hội Mùa hè như kế hoạch.

Một số chuyên gia y tế cộng đồng nhận định đây là dấu hiệu cho thấy những biện pháp nghiêm ngặt, từng giúp Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore an toàn hơn phương Tây trong suốt năm ngoái, có thể không mang tính bền vững về lâu dài. Vì nhiều lý do, công tác triển khai vaccine COVID-19 tại những nơi này khá chậm chạp, một phần do thiếu nguồn cung.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm, đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Koji Tomita cho biết đất nước của ông và những nơi khác ở Đông Á ban đầu nỗ lực ngăn virus lây lan, nhưng ít xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng, cuối cùng "bị giam cầm bởi thành công của chính mình".

Theo giới chuyên gia và các tổ chức quốc tế, vấn đề chính nằm ở khoảng cách tiêm chủng trên toàn cầu. Trong khi Mỹ đang thảo luận về các mũi tiêm nhắc lại cho người dân, những nhân viên y tế tuyến đầu tại một số quốc gia đang phát triển thậm chí vẫn chưa nhận được liều vaccine đầu tiên.

Trong một tuyên bố chung, ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD, hướng đến xây dựng hành động chung để đẩy nhanh việc phân phối vaccine cho các nước nghèo và thu nhập trung bình, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất vaccine khắp thế giới.

"Tình trạng phân phối vaccine không công bằng đang khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm trước virus, đồng thời tạo điều kiện cho các biến chủng chết chóc xuất hiện và phát tán trở lại trên toàn thế giới", tuyên bố có đoạn.

"Khi các biến chủng virus lan rộng, ngay cả những quốc gia sở hữu chương trình tiêm chủng tiến bộ cũng buộc phải tái áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng và hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn. Đại dịch đang khoét sâu sự phân hóa về cơ hội kinh tế, gây ra hệ quả tiêu cực cho tất cả", theo ban lãnh đạo các tổ chức.

Sự chú ý giờ đây tập trung vào cuộc họp của nhóm G7 trong tháng này, nơi lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới dự kiến thúc đẩy và đáp ứng nhu cầu vaccine trên toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ủng hộ các cuộc đàm phán tại WTO về khả năng dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine COVID-19, giúp nhiều nước có thể tự sản xuất chúng. Tuy nhiên, ý tưởng này bị nhiều chính phủ châu Âu phản đối.

Bình luận viên Zeynep Tufekci của NYTimes cho biết mọi quốc gia đều muốn ưu tiên tiêm chủng trong nước là điều dễ hiểu. "Tuy nhiên, nơi nào có tỷ lệ tiêm chủng cao, đặc biệt trong nhóm dân số dễ bị tổn thương, có thể tạm dừng chiến dịch tiêm chủng, nhất là khi họ từng trải qua những đợt dịch lớn. Việc đưa nguồn vaccine dư thừa đến nơi đang cần chúng cũng sẽ không gây cản trở chương trình tiêm chủng", Tufekci nêu ý kiến.

"Bất cứ quốc gia nào nghĩ rằng mối nguy hiểm đã trôi qua đều đang mắc sai lầm lớn. Do toàn cầu đang phối hợp không đầy đủ, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt những lỗ hổng tương tự từng khiến một dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu hôm 31/5.

Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, cũng có chung nhận định về mối đe dọa này. "Khi vẫn còn mức độ hoạt động nhất định trên toàn cầu, vẫn luôn có nguy cơ các biến chủng xuất hiện và xóa bỏ hiệu quả của vaccine", ông cảnh báo.

 (Theo vnexpress)

comment Bình luận

largeer