Mỹ - Trung Quốc ganh đua ngoại giao vaccine
Thông báo tặng 80 triệu liều vaccine, trong đó 60 triệu liều AstraZeneca và 20 triệu liều gồm Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, được Mỹ đưa ra tuần trước, giữa lúc áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với kho vaccine dư thừa của Washington. Số ca COVID-19 của Mỹ đang giảm mạnh, trong khi hơn 60% người trưởng thành nước này đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đầu tuần trước nói thế giới đang chứng kiến tình trạng "phân biệt chủng tộc về vaccine", khi các nước nghèo chỉ nhận được 17% lượng vaccine được phân phối, trong khi chiếm nửa dân số toàn cầu.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể khiến nỗ lực cung cấp vaccine cho toàn cầu trở thành cuộc đua song mã giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các cường quốc vaccine khác đều đang tụt lại.
Tại châu Á, nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, hồi tháng 3 nhất trí rằng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vaccine toàn cầu và cam kết mở rộng sản xuất vaccine để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo kế hoạch, Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ tài trợ cho Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất toàn cầu, để sản xuất một triệu liều vaccine cho châu Á, chủ yếu là Đông Nam Á, tới cuối năm 2022.
Nhưng làn sóng dịch nghiêm trọng ở Ấn Độ nhanh chóng khiến chính quyền Thủ tướng Narendri Modi phải ngừng xuất khẩu vaccine. Viện Huyết thanh Ấn Độ không thể hoàn thành các cam kết sản xuất vaccine AstraZeneca cho Covax. Họ cho biết chỉ có thể tái khởi động việc xuất khẩu cho Covax và các nước khác nhanh nhất vào cuối năm nay. Covax cho đến nay mới phân phối được 68 triệu liều cho các nước đang phát triển, cách rất xa mục tiêu hai tỷ liều trong năm nay.
Nga từng ký thỏa thuận sản xuất 700 triệu liều vaccine Sputnik V ở nước ngoài, nhưng mới sản xuất được 33 triệu liều tính đến 12/5 và xuất khẩu chưa tới 15 triệu liều.
Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất khẩu 265 triệu liều vaccine COVID-19, nhiều hơn tất cả quốc gia khác gộp lại, đồng thời cam kết cung cấp thêm 440 triệu liều, theo công ty phân tích và thông tin khoa học Airfinity.
Lô vaccine COVID-19 của Trung Quốc được chuyển tới sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 28/4 (Ảnh: Xinhua)
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế Toàn cầu ngày 21/5, Chủ tịch Tập Cận Bình nói ngoài vaccine, Trung Quốc sẽ cung cấp thêm 3 tỷ USD viện trợ quốc tế trong ba năm tới để hỗ trợ ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế - xã hội ở các nước đang phát triển. Ông Tập cho biết Bắc Kinh cũng sẽ hỗ trợ các công ty vaccine Trung Quốc chuyển giao công nghệ và phối hợp sản xuất với các nước đang phát triển.
Bắc Kinh đã giành được ưu thế ban đầu trong cuộc đua ngoại giao vaccine nhờ trung tâm sản xuất vaccine Sinovac lớn ở Indonesia. Hannah Elyse Sworn, nhà phân tích cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết ngay cả khi Bộ Tứ thực hiện được cam kết vaccine trong hai năm tới, người dân châu Á có thể đã chuyển sang dùng vaccine Trung Quốc.
"Những loại vaccine bổ sung này có thể đã đến quá muộn", Swon nói.
Yury Yarmolinsky, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến lược Belarus, cho biết trong cuộc đua ngoại giao vaccine, "người thắng cuộc sẽ là người biến những tuyên bố thành hành động cụ thể nhanh hơn".
"Các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo chuyển giao công nghệ để thúc đẩy khả năng phát triển và cung ứng của họ, chủ yếu là cho các nước đang phát triển nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường", Yarmolinsky nói và thêm rằng Bắc Kinh đang có lợi thế 1-0 trước Bộ Tứ.
Bakshi Hardeep Vaid, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Nam Kinh, nói Ấn Độ, quốc gia báo cáo hơn 26 triệu ca nhiễm nhưng chỉ có khoảng 13% dân số trong gần 1,4 tỷ người được tiêm chủng, không thể giúp cung cấp vaccine cho thế giới vào thời điểm này. Ấn Độ dường như cũng đang cần được trợ giúp vaccine từ Mỹ.
Giáo sư Vaid thêm rằng Nhật Bản và Australia hiện cũng không thể gánh thay trách nhiệm khi cả hai nước phải tập trung vào nhu cầu tiêm chủng trong nước. Canberra đã cung cấp số vaccine hạn chế cho các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh và phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng.
Li Xing, giáo sư phát triển quan hệ quốc tế tại Đại học Aalborg của Đan Mạch, nói ba thành viên còn lại của Bộ Tứ "phản ứng chậm chạp hoặc chỉ giúp đỡ hạn chế" cho Ấn Độ, cho thấy đây "không phải là một liên minh an ninh thực sự".
Bắc Kinh đang nổi lên như một nhà cung cấp vaccine hàng đầu của các quốc gia đang phát triển. Nỗ lực này sẽ được thúc đẩy hơn nữa khi WHO gần đây cấp phép cho vaccine của Tập đoàn Sinopharm, mở đường cho vaccine Trung Quốc được phân phối qua chương trình Covax. WHO cũng dự kiến sớm phê duyệt vaccine Sinovac, loại vaccine khác của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể vướng trở ngại lớn trong cuộc đua lâu dài, đó là những lo ngại về hiệu quả vaccine của họ thấp hơn các loại vaccine được phát triển ở nước khác, đặc biệt là của Mỹ. Một vấn đề khác là quan ngại rằng Bắc Kinh sử dụng vaccine để gây áp lực ngoại giao, theo các chuyên gia phân tích.
Đài Loan tuần trước cáo buộc Trung Quốc tìm cách sử dụng vaccine vì lợi ích chính trị, sau khi đồng minh ngoại giao Honduras cho biết đang cân nhắc mở văn phòng ở Trung Quốc với hy vọng mua được vaccine. Tháng trước, Bắc Kinh cũng vướng cáo buộc tương tự rằng đang dùng vaccine để gây áp lực để Paraguay cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Tuy nhiên, Jeremy Youde, trưởng khoa nghệ thuật tự do tại Đại học Minnesota Duluth ở Mỹ, việc phân phối vaccine qua Covax có thể giúp xua tan những lo ngại rằng "quốc gia được nhận vaccine gần như chắc chắn liên quan tới mối quan tâm địa chính trị của nước tài trợ".
Youde dẫn chứng Ấn Độ cũng từng sử dụng vaccine như công cụ ngoại giao để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, khi xuất khẩu gần 69 triệu liều cho gần 100 quốc gia trước khi đợt bùng phát thứ hai nhấn chìm nước này.
Giới phân tích thêm rằng Bắc Kinh có thể tăng thêm lợi thế trong nỗ lực ngoại giao vaccine hiện tại nếu cho các nước đối tác thấy họ không chỉ muốn giúp họ ngăn chặn đại dịch, mà còn muốn giúp phục hồi toàn diện. "Điều này có thể mang đến sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với các quốc gia ngồi vào bàn đàm phán", Youde nói.
Hội nghị trực tuyến giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với người đồng cấp Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh tháng trước đã làm dấy lên ý tưởng "Bộ Tứ COVID-19". Ngoài việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và vật tư y tế cho các nước tham gia, Trung Quốc cũng tuyên bố thành lập kho dự trữ vật tư khẩn cấp, một trung tâm hợp tác giảm nghèo và phát triển, cũng như đảm bảo phục hồi hậu đại dịch.
Tuy nhiên, Sworn từ RSIS nói bà tin Bắc Kinh cảm thấy thoải mái nhất với các mối quan hệ song phương, để có thể tối đa hóa lợi ích quyền lực mềm đến từ việc là nhà cung cấp vaccine và hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất cho các nước đang phát triển.
"Là một cường quốc ngày càng mạnh, Trung Quốc không thấy cần phải thiết lập nhóm tương tự, nơi họ phải thỏa hiệp lợi ích bằng cách thiếp lập và tuân thủ nguyên tắc chung với nhiều đối tác khác nhau", bà nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm