Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Hành trình cùng con tự kỷ: Chuyên gia giải đáp thắc mắc của cha mẹ

Chăm sóc và nuôi dạy một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ (Autism) là một hành trình đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và những hiểu biết đúng đắn. Trong bài viết này, các cán bộ, chuyên gia, bác sĩ tâm lý của Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ giải đáp những câu hỏi thường gặp nhất từ cha mẹ để giúp họ có thêm thông tin hữu ích trong quá trình đồng hành cùng con.
05/04/2025 23:33

1. Con tôi rất sợ uống thuốc, mỗi khi bị ốm bé không chịu uống. Tôi nên làm gì?

Ngay cả với trẻ bình thường, việc uống thuốc đã là một thử thách. Đối với trẻ tự kỷ, điều này còn khó khăn hơn do các vấn đề về cảm giác và tâm lý. Một số bé rất nhạy cảm với đường uống và phản ứng mạnh khi phải tiếp nhận thuốc. Vì vậy, cha mẹ cần giúp trẻ làm quen từng bước.

- Có thể sử dụng đồ chơi để tạo hứng thú, kết hợp chơi cùng trẻ và dần dần tập cho trẻ uống thuốc theo từng lượng nhỏ.

- Không nên ép uống thuốc ngay lập tức hoặc dùng ống tiêm bơm nhanh vào miệng vì có thể gây phản ứng sợ hãi kéo dài.

- Trong trường hợp bệnh cấp tính, chẳng hạn như vấn đề về hô hấp, nếu trẻ không uống được thuốc, gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ qua đường tiêm hoặc các phương pháp khác.

- Khi trẻ dần thích nghi, việc uống thuốc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

11025_1087565496

(Ảnh minh họa)

2. Con tôi thường buồn ngủ vào buổi tối nhưng đến giờ ngủ lại tỉnh táo và có nhu cầu vận động tiếp, làm sao để cải thiện?

Vấn đề giấc ngủ ở trẻ tự kỷ rất phức tạp, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cảm giác, tiếng ồn và môi trường xung quanh. Vì vậy, khi đánh giá, chúng tôi sẽ:

- Kiểm tra xem trẻ có mắc bệnh lý nào ảnh hưởng đến giấc ngủ không.

- Xem xét môi trường ngủ: Mùi trong phòng, tiếng ồn (ví dụ như tiếng động từ tủ lạnh gần giường).

- Hướng dẫn cha mẹ theo dõi lịch trình giấc ngủ của trẻ bằng bảng ghi chép chi tiết.

Một số biện pháp cải thiện giấc ngủ cho trẻ:

- Thiết lập giờ ngủ cố định: Trẻ cần đi ngủ vào cùng một khung giờ mỗi ngày, kể cả khi có sự kiện đặc biệt.

- Tạo cảm giác thoải mái khi ngủ: Một số trẻ cần ôm gối hoặc cầm một món đồ nhất định mới dễ ngủ.

- Chú ý đến bữa ăn: Bữa ăn cuối cùng nên cách giờ ngủ ít nhất 3 - 4 tiếng.

- Đi vệ sinh trước khi ngủ: Tránh tình trạng khó chịu, trằn trọc.

- Hạn chế kích thích buổi tối: Không cho trẻ dùng trà sữa, sô-cô-la hoặc các thực phẩm chứa caffeine.

- Quản lý giấc ngủ trưa: Không nên ngủ quá 60 phút vì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

Nếu sau 3 - 4 tuần áp dụng các biện pháp mà tình trạng không cải thiện, có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp hỗ trợ như melatonin, nhưng cần có chỉ định của bác sĩ. Nếu vẫn không hiệu quả, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám lại để có hướng can thiệp phù hợp.

3. Con tôi thường giành đồ chơi của bạn, nếu không được thì ăn vạ. Làm sao để dạy con cách chơi phù hợp?

Trẻ con thường có cách chơi khác với người lớn. Hành vi "phá" không hẳn là xấu, hành vi này có thể là cách trẻ bộc lộ mong muốn khi chưa có đủ kỹ năng giao tiếp.

- Cha mẹ và giáo viên cần hướng dẫn trẻ cách đề xuất tham gia chơi cùng bạn, thay vì giành đồ hoặc phá. Có thể dạy trẻ nói: "Cho em chơi với", hoặc giúp trẻ hiểu về khái niệm "đến lượt mình".

- Khi trẻ chưa biết cách thể hiện mong muốn, việc giành đồ hoặc phá có thể là cách duy nhất trẻ biết. Vì vậy, cần dạy trẻ kỹ năng giao tiếp phù hợp.

- Nếu trẻ có hành vi bỏ đi khi giận, cha mẹ cần theo sát, giúp trẻ hiểu về sự an toàn và luyện tập các cách thể hiện cảm xúc khác thay vì bỏ đi.

4. Con tôi 4 tuổi nhưng chưa nói được từ nào. Tôi nên làm gì?

Với trẻ 4 tuổi chưa có ngôn ngữ, có thể bé đang ở mức độ tự kỷ nặng. Những trường hợp này cần can thiệp liên tục. Hành trình phát triển ngôn ngữ của trẻ tự kỷ không giống nhau – có bé 5, 6, thậm chí 7 tuổi mới bắt đầu nói được.

Chúng ta không nên ép trẻ nói khi chưa sẵn sàng, mà cần tạo môi trường giao tiếp bằng nhiều phương pháp khác nhau. Khoảng 50% trẻ tự kỷ nặng khi lớn lên có thể có ngôn ngữ nhưng lại khó sử dụng để giao tiếp hàng ngày. Vì vậy, việc đồng hành với trẻ không chỉ là về ngôn ngữ mà còn cả trong sinh hoạt và các kỹ năng khác.

Việc đồng hành lâu dài và kiên trì là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đánh giá nguyên nhân của các hành vi để có hướng can thiệp phù hợp nhất cho con.

5. Con tôi không chịu mang tất dù trời lạnh, làm sao để giúp con thích nghi?

Đây có thể là dấu hiệu của rối loạn giác quan – tình trạng mà trẻ cảm nhận kích thích từ môi trường khác so với thông thường. Khi yêu cầu trẻ thay đổi thói quen trong thời gian ngắn, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc điều chỉnh cần có lộ trình lâu dài và phù hợp với cảm nhận của trẻ.

Một trong những phương pháp hữu ích là tạo điều kiện để trẻ làm quen dần với cảm giác trên chân. Phụ huynh có thể thử:

- Chơi trò chơi giác quan: Đắp chăn lên chân trẻ, quấn giấy vệ sinh hoặc các mảnh vải mềm lên chân để giúp trẻ làm quen với các kết cấu khác nhau.

- Đa dạng hóa trải nghiệm cảm giác: Cho trẻ tiếp xúc với nhiều trạng thái khác nhau như ấm, hơi nóng, lạnh, sần sùi, mềm, ướt, nhám... Điều này giúp kích thích thần kinh cảm giác, giúp trẻ dần thích nghi với các tiếp xúc mới.

- Sử dụng thảm gai hoặc bề mặt có kết cấu khác nhau: Đây là cách tác động mạnh đến giác quan, nhưng cần lưu ý vì có trẻ thích thú, nhưng cũng có trẻ sợ hãi. Nếu trẻ quá nhạy cảm, không nên ép buộc mà hãy giúp trẻ trải nghiệm từ từ, từng bước nhỏ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tạo môi trường hỗ trợ trẻ tốt hơn. Nếu trẻ vẫn không chấp nhận mang tất hoặc đi giày, phụ huynh có thể điều chỉnh môi trường để phù hợp hơn với nhu cầu cảm giác của trẻ:

- Chuẩn bị bề mặt an toàn: Nếu trời lạnh nhưng trẻ không chịu đi tất, có thể trải thảm mềm hoặc sử dụng chất liệu ấm áp tại khu vực trẻ thường vui chơi để giảm thiểu tác động của nhiệt độ.

- Tạo không gian dễ chịu: Thiết lập môi trường giúp trẻ cảm thấy thoải mái nhất, tránh áp đặt hoặc ép buộc gây lo âu.

Việc đi chân trần không hẳn là xấu. Đôi khi, để trẻ đi chân trần trên mặt đất là một trải nghiệm tốt giúp trẻ phát triển giác quan và cảm nhận môi trường xung quanh. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần đảm bảo an toàn trong quá trình đó. Khi cho trẻ vui chơi ngoài trời, đặc biệt tại các khu công cộng, phụ huynh cần theo dõi để đảm bảo trẻ không gặp nguy hiểm.

Điều quan trọng nhất trong quá trình hỗ trợ trẻ có rối loạn giác quan là kiên nhẫn, lắng nghe và điều chỉnh phương pháp theo phản ứng của trẻ. Việc ép buộc có thể gây ra lo âu và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Khi hiểu rõ đặc điểm của con, phụ huynh sẽ có cách tiếp cận phù hợp và giúp trẻ thích nghi một cách tự nhiên nhất.

6. Con tôi không ăn rau, chỉ thích ăn thịt mềm. Làm sao để cải thiện chế độ ăn?

Trẻ tự kỷ có thể bị rối loạn cảm giác ăn uống, chọn lọc thức ăn theo màu sắc, hình dáng hoặc kết cấu. Cách giúp trẻ đa dạng thực đơn:

- Tiếp cận thức ăn mới qua tranh ảnh, quan sát, chạm, ngửi trước khi ăn.

- Kết hợp thức ăn trẻ thích với thực phẩm mới.

- Chế biến thức ăn theo nhiều cách khác nhau để tìm kết cấu trẻ có thể chấp nhận.

- Kiên trì, không ép trẻ ăn ngay mà để trẻ tiếp cận từ từ.

7. Có nên cho con học với hai giáo viên can thiệp cùng lúc không?

Việc học với hai giáo viên cùng lúc có thể mang đến lợi ích, nhưng cũng tồn tại những thách thức. Sự đa dạng trong phương pháp giảng dạy là điều tích cực, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp giữa hai giáo viên. Nếu mỗi người dùng một phương pháp khác nhau mà không có sự liên kết, trẻ có thể bối rối và không hiểu rõ mình cần làm gì.

Tuy nhiên, nếu hai giáo viên có sự trao đổi, thống nhất trong cách giảng dạy, thì điều này có thể giúp trẻ học cách thích nghi với những phong cách hướng dẫn khác nhau, tăng cơ hội phát triển kỹ năng linh hoạt.

8. Con tôi thường có xu hướng cắn và nhai đồ chơi, làm thế này để giúp con hạn chế được điều này?

Ở giai đoạn này, trẻ có xu hướng khám phá thế giới xung quanh thông qua cầm nắm và đưa đồ vật vào miệng, đây là một phần bình thường trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, với những trẻ gặp khó khăn về phát triển, giai đoạn này có thể kéo dài hơn so với bình thường.

Để hạn chế việc trẻ cắn và nhai đồ chơi, cha mẹ có thể:

- Sử dụng dụng cụ nhai thay thế: Một số dụng cụ chuyên dụng được các bác sĩ chỉ định có thể giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu cảm giác miệng mà không ảnh hưởng đến quá trình học tập và chơi.

- Chấp nhận một phần hành vi này: Trẻ cầm, nhai đồ chơi là điều bình thường. Nếu trẻ có thể cầm để cảm thấy an toàn mà vẫn tham gia hoạt động chơi, cha mẹ không cần quá lo lắng.

- Hướng dẫn trẻ sử dụng đồ chơi đúng cách: Khi trẻ cầm đồ chơi, cha mẹ có thể tận dụng để hướng dẫn trẻ chơi theo cách có mục đích hơn, dần dần giảm nhu cầu đưa đồ vào miệng.

- Không quát mắng, thay vào đó nhẹ nhàng điều hướng: Nếu trẻ đưa đồ chơi vào miệng, cha mẹ có thể nhẹ nhàng kéo tay trẻ ra và chuyển sự chú ý sang một hoạt động thú vị khác.

Việc điều chỉnh hành vi này cần thời gian và sự kiên nhẫn. Khi trẻ dần có thêm trải nghiệm chơi, nhu cầu cắn nhai đồ vật cũng sẽ giảm. Cha mẹ nên đồng hành cùng con, chấp nhận những đặc điểm phát triển của trẻ trong từng giai đoạn, đồng thời tìm cách hướng dẫn phù hợp để giúp con hòa nhập tốt hơn.

Hỗ trợ trẻ tự kỷ đòi hỏi sự kiên nhẫn và phương pháp phù hợp. Mỗi trẻ có đặc điểm riêng, vì vậy cha mẹ cần quan sát và điều chỉnh linh hoạt để giúp con phát triển tốt nhất.

Vân Hà - Nguyễn Trang

comment Bình luận