HETEC Giới thiệu Công nghệ lọc nước CDI và công bố Quyết định, ra mắt Ban Quản lý Dự án Nước sạch nông thôn

Sáng ngày 12/6, Viện Công nghệ và Sức khỏe (Hetec) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Công nghệ lọc nước CDI - Bước đột phá về công nghệ trong xử lý nước và môi trường và công bố Quyết định, ra mắt Ban Quản lý Dự án Nước sạch nông thôn.
By Hằng Dương
13/06/2020 18:48

Hội thảo nhằm phổ biến những ưu thế vượt trội công nghệ CDI trong lọc nước và xử lý nước sinh hoạt mang lại nguồn nước sạch sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Thạc sĩ Lê Hữu Thi – Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe cho biết: Trước thực trạng tại Việt Nam hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nề ở các khu vực thành thị và nông thôn cùng với sự biến đổi khí hậu tại các khu vực hạ lưu Đồng bằng Sông Cửu Long, dẫn tới nguồn nước ở các khu vực nêu trên đang có thực trạng bị xâm mặn. Bên cạnh đó cùng với những khát khao cháy bỏng xây dựng nên một công nghệ lọc nước made in Việt Nam, sau nhiều năm nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ, TS Đỗ Hữu Quyết đã tiếp cận nền tảng công nghệ CDI và khi trở về Việt Nam Tiến sĩ Đỗ Hữu Quyết đã tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, cho ra đời máy lọc nước dựa trên nền tảng công nghệ lọc CDI với made in Việt Nam. Công nghệ mang lại nguồn nước uống trực tiếp đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, không những giảm thiểu tối đa lượng nước thải trong quá trình hoạt động, mà còn khắc phục những hạn chế về công nghệ đối với các thiết bị lọc nước hiện đang có mặt trên thị trường Việt Nam. Chính vì vậy buổi hội thảo “công nghệ Lọc nước CDI – Bước đột phá về công nghệ trong xử lý nước và môi trường” nhằm đưa công nghệ lọc nước CDI phổ biến rộng rãi hơn tại Việt Nam và tạo ra nguồn nước sạch đáng tin cậy chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Thạc sĩ Lê Hữu Thi – Viện trưởng Viện Công nghệ và Sức khỏe

Chia sẻ về công nghệ lọc nước CDI, TS. Đỗ Hữu Quyết – Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vietdream- Chủ nhiệm đề tài khoa học cho biết, CDI là công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới để xử lý các chất hòa tan trong nước, bao gồm muối và các chất gây ô nhiễm. CDI dùng phương pháp điện phân, dùng điện cực để hút các ion hòa tan trong nước như ion kim loại nặng, các chất độc,… Nguyên lý của CDI là cho nước đi song song với màng điện cực, nên không gây áp lực cao làm rách màng gây thất thoát vi khuẩn và chất độc hại, vì thế tuổi thọ màng khá cao (khoảng 10 năm). Nước qua màng điện cực được lọc sạch chất lơ lửng (> 1µm), hấp thu 100% các chất độc như thuốc trừ sâu, phân bón, kim loại nặng, chất oxi hóa gây ung thư, loại trên 99% vi khuẩn, trung tính hóa độ pH. Ngoài ra, CDI còn giúp lưu giữ trên 50% các dưỡng chất cần thiết như Na, K, Li, một phần Ca, Mg, Fe, P,…“Nước lọc đầu ra theo công nghệ này có thể uống trực tiếp và có thể xử lý được nhiều loại nước đầu nguồn như nước sinh hoạt, nông nghiệp, nước thải công nghiệp, nước nhiễm mặn, nước lợ,… mà theo công nghệ RO không giải quyết được” – TS Quyết cho biết thêm, do được nghiên cứu và sản xuất trong nước nên thiết bị lọc có giá thành giảm hơn 50% so với ngoại nhập.

TS. Đỗ Hữu Quyết – Giám đốc phát triển sản phẩm Công ty Vietdream- Chủ nhiệm đề tài khoa học chia sẻ về công nghệ lọc nước CDI

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các cán bộ quản lý trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và doanh nghiệp trong lĩnh vực lọc nước cũng đưa ra các ý kiến phản biện, đóng góp nhằm cải tiến công nghệ.

Cũng tại hội thảo, Viện Công nghệ và Sức khỏe tổ chức công bố quyết định ra mắt Ban Quản lý Dự án nước sạch nông thôn. Ban Quản lý dự án nước sạch nông thôn là ban có chuyên môn phụ trách công tác quản lý dự án của Viện Công nghệ và Sức khỏe. Ông Vũ Ngọc Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban, Phó trưởng ban là ông Nguyễn Văn Khiêm.

Viện Công nghệ và Sức khỏe tổ chức công bố quyết định ra mắt Ban Quản lý Dự án nước sạch nông thôn

Ban này có nhiệm vụ thực hiện: Triển khai các dự án khảo sát nguồn nước tại các khu vực nông thôn, miền núi làm cơ sở cho dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện; Tư vấn các giải pháp nước sạch vệ sinh môi trường, triển khai phổ biến và giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ; Lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nước sạch cho cộng đồng dân cư, các điểm trường học ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và các khu vực và các khu vực có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thông qua việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa. 

Trong năm 2020, Ban Quản lý dự án sẽ tiến hành hoạt động khảo sát đánh giá sơ bộ về nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt của cộng đồng ở các tỉnh nông thôn, miền núi phía bắc để thu thập dữ liệu về nguồn nước để làm cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ trong lĩnh vực xử lý nước và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

comment Bình luận

largeer