Hòa Bình ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Ngày 12/8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hòa Bình có văn bản số 112/BCH-VP về việc ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
12/08/2022 19:07

Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to trên diện rộng (một số nơi có lượng mưa trên 300mm như  BQL Ngọc Sơn - Lạc Sơn, Xuân Phong - Cao Phong, hồ Trọng - Tân Lạc..) gây thiệt hại nghiêm trọng về người (3 người chết, 2 người mất tích) và một số công trình hạ tầng, nguyên nhân thiệt hại về người chủ yếu do bất cẩn bị lũ cuốn trôi khi qua suối, trẻ em đuối nước. Theo bản tin dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa lớn còn tiếp tục tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện công văn số 424/VPTT, ngày 11/8/2022 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, công văn số 61/QGPCTT, ngày 12/8/2022 của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, công điện số 05/CĐ-UBND, ngày 9/8/2022 của UBND tỉnh về việc ứng phó với bão số 2 (Mulan). Để tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc công điện số 05/CĐ-UBND, ngày 9/8/2022 của UBND tỉnh về việc ứng phó với bão số 2 (Mulan).

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin cảnh báo của các cơ quan chuyên môn về mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và Nhân dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.

3. Triển khai các phương án để chủ động ứng phó các tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức di dời, sơ tán người dân; Khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu. Bố trí lực lượng kiểm soát, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, chia cắt không để người và phương tiện đi qua.

4. Tổ chức quản lý, trông giữ, không để để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ngập nước. Tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình có người chết và mất tích và tiếp tục tìm kiếm người mất tích.

5. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; Thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

6. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

7. Trực ban nghiêm túc thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh qua Văn phòng thường trực (SĐT: 02183.852.309 email: [email protected]), trước 15h00 hàng ngày và ngay khi có tình huống đột xuất, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai theo quy định.

Theo Báo Hòa Bình

comment Bình luận

largeer