Hồi ký: Thành Xuân Nghiêm, nguyên bác sĩ, giảng viên trường Đại học Y tế Công cộng (phần 3)
CHƯƠNG III
HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH BÁC SĨ, GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC Y KHOA
Cầm tấm bằng tốt nghiệp Tú tài toàn phần Sinh ngữ và Triết học chỉ là một nửa tờ giấy pơ luya cũ bằng khổ A5 được đánh máy, Xuân Nghiêm nộp vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội và được chấp nhận cho thi vào trường. Khi đó là khoảng thời gian người Pháp đã cuốn gói khỏi Hà Nội.
Năm 1954, khi hòa bình lập lại, Xuân Nghiêm là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Hà Nội (khóa 1954 - 1960). Sáu năm học tập gian khổ đã rèn giũa ông trở thành một bác sĩ tận tâm. Sau khi tốt nghiệp, Xuân Nghiêm được phân công công tác tại Hà Giang, cách Hà Nội 317 km, trong điều kiện vô cùng khó khăn. Ba năm ở vùng cao đã dạy ông bài học về sự kiên nhẫn và lòng yêu thương con người.
Tại đây, ông làm bác sĩ đa khoa của Bệnh viện tỉnh Hà Giang (1960 - 1963). Còn bà là bác sĩ điều trị Nhi khoa của Bệnh viện tỉnh Thái Bình (1962-1973).
Sau đó, ông Xuân Nghiêm chuyển về Thái Bình, nơi ông giảng dạy và làm Trưởng bộ môn Giải phẫu tại Trường Y sĩ Thái Bình (1964 - 1975). Trong suốt 12 năm ở đây, ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cả niềm đam mê và trách nhiệm của một người giảng viên cho nhiều thế hệ học trò. Sau này, trường được nâng cấp thành Phân hiệu Đại học Y khoa Thái Bình và ông tiếp tục cống hiến cho đến khi được chuyển về Hà Nội.
Bà Kim Thu khi đó làm Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương trong 22 năm và nghỉ hưu năm 1997, tiếp tục làm bác sĩ phòng khám tư nhân 15 năm nữa rồi mới nghỉ hẳn.
Khi về Hà Nội, ông Xuân Nghiêm công tác gắn bó với Trường Cán bộ Quản lý Y tế (sau này là Trường Đại học Y tế Công cộng) cho đến khi nghỉ hưu vào năm 60 tuổi.

Thư mời ông Xuân Nghiêm sang Moscow học
Năm 1979-1980, dù biên giới phía Bắc đang có chiến sự, ông vẫn được cử sang Liên Xô để học tập tại Moscow trong 9 tháng, đủ tiêu chuẩn nhận bằng Thạc sĩ Y tế Công cộng.
Trong khoảng thời gian đó, cả lớp ông được đi thăm quan học tập thực tế ở 130 nơi. Mỗi tuần có từ 1 – 2 buổi đi thực tập tại các cơ sở y tế xã hội như: Moscow, Leningrad (7 ngày), Siberi (7 ngày), Budapest (Hungary 7 ngày), Tagikistan (7 ngày).

Thầy cô giáo và 12 bạn học của ông Xuân Nghiêm tại Moscow


Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Y tế công cộng của ông Xuân Nghiêm
Ông được đi thăm bệnh viện quân sự, trạm xá ở nông thôn, các danh lam thắng cảnh, các cơ sở y tế, dự Hội nghị về tổ chức y tế của các nước xã hội chủ nghĩa ở Budapest. Cứ mỗi tuần như vậy vừa được đi chơi, vừa được học, được tham quan nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình bệnh viện, trạm xá, cơ sở y tế, tổng cộng là 130 nơi, khiến ông rất thích thú.
Nội dung học gồm: Xã hội học y học, Thống kê y tế, Lập kế hoạch, Định hướng và Tổ chức chăm sóc sức khoẻ, Dịch tễ học, Đào tạo cán bộ y tế, Đánh giá, và Sử dụng máy tính điện tử,…
Đặc biệt, trong chuyến đi này, ông không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn mang về 5 cuốn sách quý về Sư phạm Y học - một lĩnh vực còn rất mới tại Việt Nam, theo yêu cầu của Giáo sư Hoàng Đình Cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế khi ấy.
Sau thời gian học tập tại Nga trở về nước, ông đã được đi theo Giáo sư Hoàng Đình Cầu và Giáo sư Đỗ Doãn Đại (Vụ trưởng Vụ đào tạo và nghiên cứu y học, Bộ Y tế) sang Campuchia mở 1 lớp Sư phạm Y học ở trường Đai học Y khoa Phnôm Pênh. Giáo sư Hoàng Đình Cầu dạy 2 ngày, còn ông dạy 4 ngày. Dạy bằng tiếng Pháp, làm các bài tập và thảo luận bằng tiếng Pháp.

Ông Xuân Nghiêm trong chuyến sang Campuchia tham gia giảng dạy

Bức ảnh kỷ niệm của 4 thầy trò
Trở về nước, ông tiếp tục đào tạo sau đại học cho các bác sĩ và giảng viên y khoa trong khắp cả nước, giúp họ nâng cao kỹ năng giảng dạy - một mảng quan trọng nhưng chưa được chú trọng thời bấy giờ.
Ông giảng dạy môn Sư phạm Y học cho các giảng viên là bác sĩ và dược sĩ ở các trường: Đại học Y khoa Hà Nội; Đại học Y khoa Huế; Đại học Y khoa TP. Hồ Chí Minh; và các trường Trung cấp Y tế ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; Trường Đại học Y khoa Phnôm Pênh (Campuchia). Đặc biệt có 1 lớp kết hợp với Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.
Trong đó, khó nhất là giảng dạy tại trường Đại học Y khoa TP. Hồ Chí Minh, học viên đều là những giáo sư, bác sĩ được đào tạo từ thời Mỹ - Nguỵ. Trước khi đi, ông có sang Vụ Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Bộ Y tế cầu viện 2 anh bạn đã từng học ở Nga và Pháp. Một người nói: “Cậu yên chí, người ta sẽ đến học bằng ô tô, xe máy rất sang trọng, mặc complê, thắt cà vạt và người ta không thèm nghe cậu nói gì đâu”.
Ông không biết làm thế nào, vận dụng tất cả những điều đã học được ở Nga, ông đã tìm ra cách “Đá quả bóng về phía họ chứ không để họ đá quả bóng về phía mình”. Ông lên bục giảng, rất may bục giảng đó đã che được 2 đầu gối run lập cập của ông. Ông đã bắt đầu bằng cách ra đề tài thảo luận “Thế nào là hành vi sức khoẻ?”, rồi chia nhóm học viên đề nghị họ viết ra định nghĩa của nhóm mình rồi sau đó lên trình bày. Đại diện của từng nhóm trình bày xong thì ông chỉ ra những điểm đúng, điểm sai, điểm đáng khen, điểm cần sửa đổi. Ông tiếp tục giao đề tài “Từng chuyên khoa một thì hành vi sức khoẻ của thầy thuốc, của thầy giáo, của bệnh nhân là gì?”. Họ bắt đầu thay đổi thái độ. Ông đã gỡ rối được vấn đề này một cách trọn vẹn.
Ông đã mời Giáo sư Phạm Biểu Tâm là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa TP. Hồ Chí Minh, và Giáo sư Hiệu phó giảng bài tùy chọn. Giáo sư Hiệu phó cho biết sẽ giảng giảng bài “Dạy học chiến lược và Dạy học chiến thuật”. Thoạt nghe, ông rất ngạc nhiên mà không dám hỏi gì về nội dung bài giảng. Nhưng sau khi nghe câu mở đầu bài giảng thì ông mới vỡ lẽ ra rằng “Dạy học chiến lược là dạy học có mục đích chung, còn dạy học chiến thuật có các mục tiêu cụ thể” mà ông đã từng giảng dạy trong nhiều năm rồi. Còn Giáo sư Hiệu trưởng chỉ giảng một bài ngắn gọn hôm khai giảng, và cũng chỉ bắt tay ông và nói một câu duy nhất khi kết thúc khóa học 6 ngày: “Chúc mừng anh đã thành công!” – đây thật là một vinh dự quá lớn cho ông Xuân Nghiêm.
Tiếp tục kể về kỷ niệm khó khăn trong khoảng thời gian giảng dạy kết hợp với Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ông đã trải qua như thế nào? Ông đã đề nghị mở một lớp ở Hải Phòng về kết hợp chính trị với chuyên môn trong công tác Truyền thông và Giáo dục sức khỏe cho nhân dân và đã đạt kết quả rất tốt.
Dù đã nghỉ hưu, ông tiếp tục sự nghiệp theo một cách khác: Trở thành cố vấn cho UNICEF về truyền thông và giáo dục sức khỏe. Một năm sau, khi đã 61 tuổi (năm 1994), ông nhận được học bổng từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để sang Mỹ học trong 3 tháng về “Vận động xã hội vì sức khỏe”, một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Ông được sắp xếp ở trong 1 phòng rộng 15m2. Tại đây, ông được cấp 1 máy vi tính để học tập viết luận văn tốt nghiệp. Ông phải học cách để đánh máy vi tính. Một người bạn người châu Phi đã hướng dẫn ông 3 buổi - mỗi buổi 1 giờ để ông có thể thành thạo đánh máy vi tính.

Ông được sắp xếp ở trong 1 phòng rộng 15m2 tại Mỹ
Ở Mỹ thư viện của họ mở 24h/24h, có người trực 24h/24h. Ông đến thư viện đó làm việc ngoài giờ, ông đã viết xong luận văn tại đây.
Một hôm, bà Giáo sư dạy ông là người châu Phi (khoảng thời gian này ở Mỹ vẫn có tình trạng phân biệt chủng tộc) rất giỏi, đã giảng dạy nhiều năm về giáo dục nói chung. Chủ đề bài giảng của bà hôm đó là “Học thuyết học tập xã hội” đã có từ thế kỷ thứ 19 ở Ba Lan. Bà đã giảng rất hay, ông hiểu rất rõ, vì ở nhà ông đã đọc lý thuyết đó trong 1 quyển sách nhỏ với tiêu đề “Các lý thuyết trong một cái vỏ hạt dẻ” tức là tóm tắt các lý thuyết về dạy học trong 1 quyển sách mỏng.
Khi bà ấy giảng xong, mọi người im lặng, ông đã đứng lên xin phép được phát biểu trong 5 phút. Ông đã giải thích thêm vấn đề mà bà ấy đã giảng, nhưng bằng một cách khác. Nói xong 5 phút, mọi người vỗ tay. Bà Giáo sư đã cho mọi người nghỉ giải lao. Sau đó, đến buổi cuối cùng, bảng điểm của ông tốt nhất trong lớp, ông là người được vinh dự nhận danh hiệu cao nhất lớp: “HIS EXCELLENCY” (Bác sĩ Ưu tú).
Từ việc học tập tại đây, ông đã rút ra một bài học là “Kết hợp giải quyết vấn đề với đẩy mạnh trí sáng tạo của người dạy, của người học và của người được hưởng thụ dịch vụ truyền thông sức khỏe”. Như vậy, thầy phải thay đổi, sáng tạo, học viên phải sáng tạo trong học tập và làm việc với người dân phải giúp được họ sáng tạo ra những cách giải quyết các vấn đề sức khỏe của chính họ, tại địa phương của họ.


Chứng nhận “HIS EXCELLENCY” (Bác sĩ Ưu tú) của ông Xuân Nghiêm


Ông Xuân Nghiêm tại Mỹ
Sau này, bà Giáo sư đó làm Tổng Đại diện UNICEF ở New York (Mỹ). Một lần tình cờ ông giảng bài ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì chợt ngẩng đầu nhìn lên trên tầng 2 nơi những người khách ngồi, có bà Giáo sư đến dự giảng của ông. Khi đó, bà ấy ngồi cùng ông Tổng Đại diện của UNCEF ở Việt Nam.
Khi trở về nước, UNICEF Hà Nội muốn ông làm việc chính thức cho họ, nhưng ông từ chối và chỉ làm “Cố vấn tự do” (Freelance consultant). Từ đó, ông tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế công cộng thêm 10 năm nữa, cho đến khi 75 tuổi. Ông vẫn tiếp tục nhận lời mời và thực hiện công việc giảng dạy của mình với sự tâm huyết cho đến khi sức khỏe bị ảnh hưởng vào năm 85 tuổi.
Trong khoảng thời gian bố của ông Xuân Nghiêm bị huyết áp cao và tai biến mạch máu não (khoảng năm 1978-1985), ông đã tự tay châm cứu và chữa trị cho bố.
(Còn tiếp)
Người chắp bút: Nguyễn Trang

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Giải pháp bảo vệ trẻ sinh non, tim bẩm sinh trước nguy cơ viêm phổi do RSV chính thức có mặt ở Việt Nam
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những tác nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Với mong muốn đồng hành cùng các bậc phụ huynh và cộng đồng trong hành trình bảo vệ sức khỏe trẻ em, FPT Long Châu mang đến giải pháp mới giúp dự phòng RSV cho trẻ nguy cơ cao.May 2 at 4:48 pm -
Một dòng chữ nhỏ trên hóa đơn nhà thuốc Long Châu – Lời cam kết về sức khỏe và niềm tin
Ngay từ tháng 4/2025, khách hàng khi mua thuốc và thực phẩm chức năng tại hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu sẽ luôn biết rõ thông tin về nơi sản xuất thuốc và được hướng dẫn rõ ràng cách thức tra cứu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm chức năng.April 28 at 10:19 am -
FPT Long Châu cùng AstraZeneca Việt Nam - Đối tác chiến lược trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Vừa qua, FPT Long Châu đã tổ chức hội thảo khoa học “Hành trình 10 năm Dapa tại Việt Nam - Đồng hành cùng dược sĩ trong tư vấn và quản lý bệnh nhân tim mạch - thận - chuyển hóa” với sự đồng hành của AstraZeneca Việt Nam.April 28 at 9:17 am -
Thanh Hóa: Rà soát, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến sản xuất, phân phối sữa giả
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa, báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định; đối với những trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.April 26 at 8:32 am