Hội nghị đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục

Chiều ngày 8/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục đào tạo khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp.
08/11/2021 16:15

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ hướng dẫn tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc đưa trẻ em, học sinh sinh viên đến trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp: nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khắc phục vì mục tiêu sớm đưa trẻ em, học sinh sinh viên đến trường an toàn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Trẻ em mầm non (TEMN), học sinh, sinh viên (HSSV) đã phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục (CSGD); tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, HSSV và cha mẹ học sinh (CMHS). Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ 27/4/2021 đến nay): Tổng số ca F0 trong cán bộ, giáo viên, trẻ em, HSSV là: 47,497 trường hợp; số ca FO đang điều trị hiện nay là: 14,745 người (Cán bộ, giáo viên: 1.728; HSSV: 13,017).

Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục đào tạo tại đầu cầu Bộ Y tế

Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục đào tạo tại đầu cầu Bộ Y tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở hầu hết các tỉnh, thành, ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu kép là: vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện Kế hoạch năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới và kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua internet và qua truyền hình ứng phó với dịch COVID-19. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và chuẩn bị cho công tác tuyển sinh trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận học sinh không thể quay trở lại nơi cư trú do ảnh hưởng của dịch bệnh được học tập.

Đối với công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế để ban hành hướng dẫn, các quy định và tiêu chí đảm bảo an toàn trường học. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí, quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các trường học, ký túc xá.

Đồng thời, ban hành Sổ tay phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục và tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác y tế trường học. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế đề cập nhật, bổ sung nội dung cuốn Sổ tay phòng, chống dịch phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thực hiện Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ hướng dẫn tạm thị về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Trong đó:

- Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khí tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Cần ưu tiên triển khai tiêm đủ liều vaccine cho cán bộ, nhà giáo, nhân viên phục vụ tại trường học; nhanh chóng sửa chữa, khử khuẩn các cơ sở giáo dục được trưng dụng Vân khu cách ly để đón học sinh trở lại trường; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống dịch trong tình hình mới.

- Các địa phương căn cứ vào việc đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định cho học sinh đến trường trên nguyên tác thơ nào đảm bảo an toàn, kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập, Các địa bàn có nguy cơ thấp hoặc trung bình có thể cho học sinh tới trường nếu đảm bảo các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được ban hành của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế; đồng thời tiếp tục củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng chuyển trạng thái sang các hình thức học tập khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng ở một số địa phương. Một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch, một số trường học phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển qua học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học (Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh....). Tại các tỉnh phía Nam, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi chưa đảm bảo để đón học sinh tới trường. Nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly chưa được bàn giao cho ngành Giáo dục để sửa chữa, vệ sinh, đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh đi học trở lại.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh bày tỏ: "Việc đưa trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đến trường để tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh là nhu cầu chính đáng và cấp thiết, được chỉ đạo bởi Lãnh đạo Chính phủ và quan điểm chỉ đạo thống nhất của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhà giáo và người học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, không để dịch bệnh lây lan từ các trường học là vấn đề rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực giải quyết, sự phối hợp chặt chẽ của ngành Giáo dục và ngành Y tế cùng với các địa phương, cơ sở giáo dục".

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục đào tạo

Công tác phối hợp chỉ đạo đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, đào tạo

Cũng tại hội thảo, đại diện Vụ giáo dục thể chất đã có báo cáo công tác phối hợp chỉ đạo đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, đào tạo:

1. Về việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện

Bộ GD&ĐT đã ban hành các Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong ngành Giáo dục; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, cụ thể: Các chương trình, kế hoạch đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục theo từng năm; Các tiêu chí, quy định đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục bao gồm 15 tiêu chí quy định trước khi học đến trường, khi học sinh đến trường và khi kết thúc buổi học. Phối hợp với Bộ Y tế rà soát, cập nhật bổ sung các tiêu chí, quy định về an toàn phòng chống dịch trong trường học, ký túc xá; Quy định về Phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử trí kịp thời theo quy định của Bộ Y tế; Ban hành Sổ tay phòng chống COVID-19 trong trường học; Tài liệu hướng dẫn thực hiện công tác y tế trường học.

2. Tình hình thực hiện tại các địa phương

- Căn cứ các quy định, tiêu chí, hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế ban hành, 100% Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, Sở GDĐT đã ban hành bộ Tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phù hợp với thực tiễn tình hình công tác phòng chống dịch tại địa phương. Một số địa phương đã cập nhật, cụ thể hóa các tiêu chí, bổ sung các tiêu chí về đảm bảo tiêm vắc-xin cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học; quy định cụ thể về việc giãn cách, việc đeo khẩu trang đối với giáo viên và học sinh trong khi thực hiện các hoạt động giáo dục tại trường.

- Các Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo thực hiện tốt Quy định về Phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong các cơ sở giáo dục để xử trí kịp thời theo quy định của Bộ Y tế. Một số địa phương xuất hiện dịch lây lan trong cơ sở giáo dục đã được xử lý quyết liệt, hiệu quả, truy vết nhanh, khoanh vùng hẹp, đánh giá mức độ an toàn để sớm cho học sinh đi học trở lại (Hà Nam, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam…).

- Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, nhiều địa phương đã xây dựng Kế hoạch, rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để mở cửa dần trường học, đón học sinh quay trở lại học tập. Đến nay, 28 tỉnh thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh. Đang học trực tuyến, học trên truyền hình: 35 tỉnh/TP với 337 quận/huyện. Số học sinh đang học trực tuyến khoảng 6.739.020 học sinh (TH 42,5%, THCS  74,3%; THPT 55,2%; Liên cấp 48,1%). Nhiều địa phương đã có kế hoạch mở cửa trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ 15/11/2021.

- Các địa phương đã tăng cường tổ chức tiêm vaccine phòng dịch cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục và triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Bình,..).

3. Một số khó khăn, hạn chế

- Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có nguyên nhân lây lan từ những người trở về từ vùng dịch. Đã xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp dẫn đến một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến tại một số địa bàn phát sinh dịch. Kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì tỉnh/thành phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng.

- Tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%).

- Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

- Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học. Dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

4. Một số giải pháp trong thời gian tới

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế cập nhật, bổ sung hướng dẫn tại Sổ tay phòng chống COVID-19 trong trường học; hướng dẫn cụ thể việc phối hợp triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi; Việc lập danh sách, phân loại, khám sàng lọc sức khỏe của học sinh và các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh có bệnh nền không thể tiêm vaccine khi đi học trở lại.

- Tiếp tục rà soát, hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh khi tổ chức học trực tiếp: thống nhất với Bộ Y tế để có hướng dẫn các địa phương:

- Phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học.

- Việc đeo khẩu trang trong trường học/lớp học và khi tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường đối với giáo viên/học sinh.

- Đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú...

Thu Trang

comment Bình luận

largeer