Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở đường bay quốc tế thường lệ, sống chung với dịch COVID-19 để phục hồi kinh tế.
08/11/2021 06:48

Thận trọng với từng giai đoạn

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến các chuyến bay sẽ được mở tới các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động với tần suất khai thác được quyết định theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương, chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.

Với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất không hạn chế thị trường, áp dụng với khách người nước ngoài có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP được lấy mẫu trong vòng 72 giờ trước chuyến bay đầu tiên trong hành trình vào Việt Nam hoặc theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế; Có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 với thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát và phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Tần suất khai thác (tới mỗi địa phương thực hiện thí điểm du lịch quốc tế trọn gói) trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000-6.000 lượt khách đến trong tháng đầu tiên) và tăng lên 2 chuyến bay/ngày trở lên trong tháng tiếp theo.

cac-hang-bay-viet-ram-rich-bay-quoc-te-sau-chi-dao-cua-thu-tuong

Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022), Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh COVID-19 vào Việt Nam mà không yêu cầu có văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Thị trường triển khai thực hiện ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với tần suất ban đầu 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Tùy thuộc tình hình thí điểm, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung các thị trường mới, tăng tần suất cho phù hợp với khả năng miễn dịch cộng đồng và nhu cầu thị trường.

Trong giai đoạn 3 (dự kiến từ tháng 4/2022) tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội), sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.

Hành khách trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh COVID-19. Thị trường sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không với tần suất ban đầu 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.

Tại giai đoạn 4 sẽ khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu, dự kiến áp dụng từ tháng 7/2022 (tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội). Trong giai đoạn này, hãng hàng không được cấp phép bay để mở bán theo nhu cầu và slot được xác nhận. Hành khách được chấp nhận làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát khi có các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng.

Cùng đó, nhằm tăng tần suất trên đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã báo cáo Bộ GTVT đề xuất tăng tần suất 3 đường bay trục Hà Nội - TPHCM, Hà Nội - Đà Nẵng và Đà Nẵng - TPHCM lên tổng số không quá 19 chuyến khứ hồi/ngày trong tháng 11.2021 (tương đương 30% tổng tần suất giai đoạn tháng 4.2021). Dự kiến Vietnam Airlines khai thác 6 chuyến/ngày, Vietjet Air 6 chuyến/ngày, Bamboo Airways 3 chuyến/ngày, Pacifics Airlines 3 chuyến/ngày và Vietravel Airlines 1 chuyến/ngày).

Mở lại đường bay để phục hồi nền kinh tế

Hiện một số nước trong khu vực đã triển khai các đường bay quốc tế như Thái Lan đã thí điểm đón khách quốc tế từ 78 quốc gia tới Phuket với hình thức cách ly tập trung tại các cơ sở chỉ định, hay Singapore triển khai phân loại các quốc gia theo 4 mức độ (Cat I, II, III, IV theo thứ tự an toàn giảm dần); Malaysia, nới lỏng du lịch nội địa và mở cửa cho khách quốc tế tiêm đủ 2 mũi vaccine tới đảo Langkawi và từ 18/10, các quốc gia châu Âu đã mở cửa đón du khách từ Mỹ...

Theo TS Trần Thu Quỳnh (Thương vụ Việt Nam tại Singapore), mở lại các đường bay thương mại quốc tế không chỉ cần thiết đối với sự hồi phục của ngành hàng không mà còn cho vị thế của Việt Nam và toàn bộ nền kinh tế. Việc chu chuyển hàng không thuận lợi là điều kiện tiên quyết giúp Chính phủ thu hút nhiều hơn đầu tư và ngoại tệ, đóng góp vào sự hồi phục của nền kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch IATA khu vực châu Á - Thái Bình Dương - ông Philip Goh, tình hình hiện nay đã khác so với 18 tháng trước (khi cuộc khủng hoảng mới bắt đầu). Các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới đã giúp các Chính phủ có thêm thời gian để phản ứng với đại dịch, việc xét nghiệm COVID-19 và Vaccine COVID-19 đã và đang được triển khai rộng rãi. Chúng ta đã hiểu biết nhiều hơn về virus, cách nó lây nhiễm, cách điều trị cho bệnh nhân và cách để hạn chế phát tán dịch bệnh.  Đại diện IATA đề xuất Việt Nam nên nhanh chóng ứng dụng các chứng nhận số về xét nghiệm và tiêm chủng để thúc đẩy bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam. Hiện IATA đã có sẵn giải pháp số để thay thế cho các giấy tờ chứng nhận hành khách phải xuất trình khi đến Việt Nam.

Cũng theo ông Philip Goh, lộ trình nối lại bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam là bước đi đúng hướng.

Theo Lao động

comment Bình luận

largeer