Hội thảo cập nhật kiến thức điều trị ung thư đường tiêu hóa

Với mục tiêu nâng cao việc dự phòng, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, ngày 20/6, Tập đoàn IMS Nhật Bản và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh đã phối hợp tổ chức buổi Hội thảo cập nhật kiến thức điều trị ung thư đường tiêu hóa.
20/06/2023 16:28

Đây cũng là hoạt động nhằm hướng đến cột mốc quan trọng kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản cũng như tiếp nối chuỗi hoạt động hỗ trợ y tế quốc tế tại Việt Nam của Tập đoàn y tế IMS Nhật Bản.

Hội thảo gồm 4 chủ đề chính: “Nội soi phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa”; "Cập nhật điều trị ung thư đường tiêu hóa bằng cách nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD)”; “Chẩn đoán và điều trị sớm ung thư dạ dày”; “Điều trị ung thư đường tiêu hóa: Phẫu thuật nội soi và phẫu thuật bằng robot” với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo

Các chuyên gia tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có Mr. Sasaki Shohei - Bí thư thứ nhất.

Về phía Tập đoàn IMS Nhật Bản có ông Yamamato Osamu - Giám đốc điều hành Công ty IIMS VNM; Ông Nagase TaKaShi - Phó phòng Hợp tác Quốc tế Công ty I-Cell Tập đoàn IMS.

Chủ toạ của buổi Hội thảo là PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hùng - Chuyên gia khoa phẫu thuật tiêu hoá, đại trực tràng, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh.

Báo cáo viên đến từ Nhật Bản là TS.BS. Shinji Endo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa San’aikai; TS.BS. Ryota Matsuo - Giám đốc Bệnh viện Đ khoa Trung ương Shin-Matsudo.

Về phía đơn vị tổ chức Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh có sự hiện diện của PGS.TS.BS Lê Văn Thạch - Giám đốc bệnh viện; Ths.BS. Lê Thị Vân Anh - Trưởng khoa Tiêu hoá.

Hiện nay, bệnh ung thư đường tiêu hóa ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề của toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới (GLOBOCAN 2020), Việt Nam có hơn 33 nghìn người mắc ung thư dạ dày, đại trực tràng, trong đó có hơn 22 nghìn người tử vong. Bệnh thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ, không điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới, đi đầu trong tỉ lệ điều trị thành công các bệnh ung thư đường tiêu hóa nhờ vào việc phát triển y tế dự phòng và ứng dụng các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến. Với mong muốn hỗ trợ cải thiện môi trường y tế các nước trong khu vực, Tập đoàn y tế IMS đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa tại Việt Nam.

TS.BS Shinji Endo – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa San’aikai, Tập đoàn IMS Nhật Bản

TS.BS Shinji Endo – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa San’aikai, Tập đoàn IMS Nhật Bản

Tại buổi Hội thảo cập nhật kiến thức điều trị ung thư đường tiêu hóa lần này, TS.BS Shinji Endo – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa San’aikai, Tập đoàn IMS Nhật Bản đã chia sẻ về chủ đề “Nội soi phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa” và “Cập nhật điều trị ung thư đường tiêu hóa sớm bằng nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD)”.

Đưa ra giải pháp để người Việt Nam dễ dàng phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh ung thư tiêu hóa, TS.BS Shinji Endo cho biết: "Tại Nhật Bản, người Nhật không thích đi khám sức khỏe, trong khi đó, họ rất lo bệnh ung thư dạ dày và kiểm tra đường tiêu hóa nên thường xuyên đi kiểm tra khám sức khỏe. Hiện nay, vi khuẩn HP cũng là một yếu tố gây nên ung thư dạ dày. Để xét nghiệm vi khuẩn HP có thể nội soi nhưng thường nhiều người không thích điều này, do đó đã bỏ qua bước này. Nhưng gần đây, để tìm vi khuẩn HP có thể tìm qua xét nghiệm máu, hơi thở nên có thể làm từ những xét nghiệm đơn giản như thế này. Ở bên Nhật của chúng tôi là 99% bệnh nhân nếu ở giai đoạn 1 sẽ khỏi bệnh (còn mới thì sẽ khỏi hẳn), nên hàng năm người dân Nhật Bản chúng tôi đều đi nội soi. Do đó, giải pháp để người Việt phát hiện sớm ung thư tiêu hóa đó là cần sự hỗ trợ của Chính phủ, Nhà nước để làm sao xây dựng được thể chế giúp tất cả người dân dễ dàng tiếp cận khám sức khỏe, xét nghiệm để phát hiện sớm".

Khách mời tham dự lắng nghe những chia sẻ của TS.BS Shinji Endo về“Nội soi phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa” và “Cập nhật điều trị ung thư đường tiêu hóa sớm bằng nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD)”

Khách mời tham dự lắng nghe những chia sẻ của TS.BS Shinji Endo về“Nội soi phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa” và “Cập nhật điều trị ung thư đường tiêu hóa sớm bằng nội soi cắt tách dưới niêm mạc (ESD)”

"Nếu như ở trong nước Việt Nam có dữ liệu thống kê thời gian sinh tồn của một người bệnh khi được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, cộng với so sánh thời gian sau khi phát triển bệnh ở giai đoạn muộn thì đây cũng là biện pháp rất tốt để người dân tự ý thức được là nếu làm xét nghiệm sớm sẽ chẩn đoán nhanh, điều trị kịp thời, kéo dài sự sống. Với người Nhật chúng tôi, cứ hơi có một vấn đề nghĩ trong đầu 'Tôi có thể ung thư dạ dày rồi' thì lập tức đi nội soi. Đương nhiên, có những người không thích nội soi thì có thể xét nghiệm máu, hơi thở, khi phát hiện vi khuẩn HP thì sẽ có phương pháp điều trị tiếp theo", TS.BS Shinji Endo cho biết thêm.

Bên cạnh đó, TS.BS Shinji Endo cũng đưa ra khuyến cáo với tất cả mọi người khi bị nhiễm vi khuẩn HP thì nên điều trị. Bởi khi những người cao tuổi tiếp xúc với người trẻ, rất dễ bị lây nhiễm. 

TS.BS. Ryota Matsuo – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Shin- matsudo, Tập đoàn IMS Nhật Bản

TS.BS. Ryota Matsuo – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Shin-matsudo, Tập đoàn IMS Nhật Bản

Cũng tại buổi Hội thảo, TS.BS. Ryota Matsuo – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Shin-matsudo, Tập đoàn IMS Nhật Bản đã chia sẻ về chủ đề “Điều trị ung thư đường tiêu hóa: Phẫu thuật nội soi và phẫu thuật bằng Robot”. Theo TS.BS. Ryota Matsuo, phương pháp phẫu thuật nội soi mang đến ưu điểm lớn nhất là vết mổ nhỏ hơn so với vết mổ hở nên gánh nặng gây cho người bệnh, những đau đớn sau hậu phẫu sẽ giảm đi và quá trình phục hồi sẽ nhanh hơn, thời gian con người trở lại cuộc sống hằng ngày, sinh hoạt xã hội trước lúc phẫu thuật sẽ sớm hơn so với mổ hở.

So sánh về 2 phương pháp phẫu thuật, TS.BS. Ryota Matsuo cho biết: Phẫu thuật Robot khác với phẫu thuật nội soi ở điểm hình ảnh trong phẫu thuật Robot sẽ được sắc nét và tốt hơn so với phẫu thuật nội soi thông thường nên sẽ tránh được những điểm bị bỏ sót khi cắt bỏ khối u và có thể bảo tồn được dây thần kinh, mạch máu cần thiết. Do đó, việc cải thiện chức năng sau phẫu thuật sẽ được tốt hơn.

Tuy nhiên, không hẳn khi dùng Robot phẫu thuật sẽ không phải điều trị thêm những phương pháp khác mà nó tùy thuộc vào tình trạng bệnh ung thư. Ví dụ như ung thư dạ dày hay đại tràng, khi ở giai đoạn 2 hoặc 3, sau khi phẫu thuật kể cả phẫu thuật Robot hay phẫu thuật nội soi thông thường đều phải dùng hóa trị để bổ trợ sau khi điều trị phẫu thuật. Vì vậy, nó cũng giống như những phương pháp khác nhưng có lợi hơn và sẽ tùy thuộc vào giai đoạn, nếu giai đoạn ung thư tiến triển thì vẫn phải bổ trợ thêm bằng các phương pháp hóa trị khác.

Ưu điểm được thể hiện rất rõ, nhưng phẫu thuật Robot có một nhược điểm lớn nhất là tốn kém hơn rất nhiều so với phẫu thuật thường. "Theo như những nghiên cứu về so sánh kết quả phẫu thuật Robot và phẫu thuật nội soi, phía Nhật Bản hiện tại mới đang có báo cáo về điều trị ung thư dạ dày, trong đó phẫu thuật Robot đạt hiệu quả tốt hơn so với phẫu thuật thông thường. Tôi nghĩ rằng, sau này sẽ có những báo cáo nữa so sánh về hiệu quả điều trị giữa Robot và phẫu thuật nội soi thông thường. Và tôi chắc chắn Robot sẽ có những hiệu quả ưu việt hơn. Bản thân là một bác sỹ phẫu thuật, khi sử dụng phẫu thuật Robot, tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không có gánh nặng mệt mỏi khi phẫu thuật trong thời gian dài", TS.BS. Ryota Matsuo cho biết.

Qua buổi Hội thảo này, có thể thấy, từ những chia sẻ quý báu của các chuyên gia người Nhật Bản đã góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở trong việc chẩn đoán sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa và cải thiện tiên lượng trong việc điều trị ung thư.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer