Hội thảo “Hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu”

Ngày 2/11, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội thảo “Hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu”.
09/11/2021 15:01

Trong một nghiên cứu mới đây của Mỹ trên 387.008 người bệnh có dương tính với COVID-19 - 19 thì có 7.549 bệnh nhân có bệnh nền là Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chiếm 2,07%, và trong số đó 62% bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Một con số đáng cảnh báo là tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân dương tính với COVID-19- 19 có mắc COPD là 15% (nhóm không mắc COPD là 4%). Có thể nói, COPD khiến người bệnh mắc COVID-19 có tỷ lệ phải nhập viện với tình trạng bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao.

COPD là căn bệnh có thể dự phòng và điều trị được

Tham dự Hội thảo, về phía Hội Hô hấp Việt Nam có GS.TS. Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội; Về phía Bệnh viện Bạch Mai có: PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc phụ trách quản lý, điều hành bệnh viện; PGS.TS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp; PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến và đặc biệt là sự tham gia trực tuyến của gần 1.000 y bác sĩ công tác trong lĩnh vực Hô hấp trên 63 tỉnh thành cả nước.

Empty

Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu do Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (GOLD) khởi xướng với mục đích nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức và thảo luận về các cách để giảm gánh nặng Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trên toàn thế giới. Ngày Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính đầu tiên được tổ chức năm 2002 và mỗi năm thu hút sự hưởng ứng, tham gia của hơn 50 quốc gia. Ngày nay, Ngày Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính đã trở thành thường quy và thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn học thuật chuyên ngành Hô hấp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đào Xuân Cơ chia sẻ: Hiện nay trên thế giới có khoảng 384 triệu người mắc COPD, gây ra 3 triệu ca tử vong mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trên thế giới (con số này nhiều hơn số người chết vì tai nạn giao thông và vẫn đang tiếp tục gia tăng). Theo số liệu Điều tra Quốc gia về tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam (2011) có đến 4,2% dân số mắc COPD. Tỉ lệ này ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với các yếu tố độc hại mà đứng đầu là hút thuốc lá, kế đến là ô nhiễm môi trường, chất đốt sinh khối (đun nấu bằng than, củi,…) và phơi nhiễm nghề nghiệp (nghề mộc, nghề sơn, dệt may, xây dựng,…), cùng với sự già hóa dân số.

Empty

Tuy COPD có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhưng nó là căn bệnh có thể dự phòng và điều trị được. Dấu hiệu đặc trưng của COPD là các triệu chứng hô hấp và tắc nghẽn đường thở. Bệnh có xu thế tiến triển nặng dần và liên quan tới phản ứng viêm bất thường của phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Các đợt COPD cấp và bệnh đồng mắc góp phần vào mức độ nặng ở mỗi bệnh nhân.

Lời khuyên đối với người bệnh mắc COPD trong bối cảnh COVID-19

Năm 2021, chủ đề của Ngày Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu là: “Không gì quan trọng hơn Lá phổi khỏe” với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của lá phổi, đặc biệt trước đại dịch COVID. Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Phan Thu Phương có những chia sẻ về Chẩn đoán và điều trị Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, PGS. Thu Phương cho biết: Trong một nghiên cứu mới đây của Mỹ trên 387.008 ca người bệnh có dương tính với COVID-19 thì có 7.549 bệnh nhân có bệnh nền là COPD (chiếm 2,07%). Và trong số đó 62% bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Trong khi nhóm bệnh nhân nhiễm COVID-19 những không mắc COPD phải nhập viện điều trị chỉ có 28%. Và một con số đáng cảnh báo là tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân dương tính với COVID-19 có mắc COPD là 15% (nhóm không mắc COPD là 4%). Có thể nói, COPD khiến người bệnh có nhiều nguy cơ mắc COVID-19 hơn và khi đã mắc COVID-19 thì tỷ lệ tử vong cao. Trước đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với những biến thể khôn lường, PGS. Phan Thu Phương đã trình bày những khuyến cáo, hướng dẫn về chuyên môn quản lý COPD trong đại dịch COVID-19 để các đồng nghiệp trong cả nước cùng tham khảo. Các bệnh nhân COPD trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp được khuyên nên tiêm vaccine ngừa Cúm, ngừa COVID-19; ngừa viêm phế cầu, tuân thủ điều trị phác đồ thường quy để giúp kiểm soát bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như: Tránh sờ lên mặt, mắt, mũi, miệng khi tay không sạch; Trữ nhiều thức ăn, hạn chế đi chợ; Ở nhà càng nhiều càng tốt, tránh đám đông và hạn chế đi lại; Người thân phải giữ gìn cho người bệnh; Nhờ người khác giúp đỡ một phần công việc phải làm hàng ngày để tránh gắng sức; Trò chuyện online với bạn bè, gia đình duy trì sức khỏe tinh thần và cảm xúc; tập thở, tập vận động…

Empty

Cũng trong Hội thảo, các tham dự viên tại các đầu cầu còn được lắng nghe các tham luận bổ ích và cập nhật như: “Tiêm phòng vaccine cho bệnh nhân COPD trong bối cảnh đại dịch COVID-19” do PGS.TS. Vũ Văn Giáp chia sẻ; “Điều trị COVID-19 ở bệnh nhân mắc COPD” của Ths. Phạm Thế Thạch và “Chẩn đoán và xử trí đợt cấp COPD trong bối cảnh đại dịch COVID-19” của TS. Đoàn Thị Phương Lan… Hội thảo Hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu là diễn đàn khoa học giúp các nhà chuyên môn lâm sàng chuyên ngành Hô hấp nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng COPD trong bối cảnh đại dịch COVID-19, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc COPD.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer