Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng”

Nằm trong chuỗi các sự kiện, hoạt động lớn của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐ) trong năm 2022, vào ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng”.
24/04/2022 16:35

 Ông Nguyễn Hồng Quân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Công ty Cổ phần Ao Vua và một số ủy viên Thường trực Trung ương Hội chủ trì Hội thảo;

Tham dự hội thảo khoa học có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế; ông Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế; TS Hoàng Thị Hoa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội; đại diện của các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương; đại biểu đại diện lãnh đạo các hiệp hội khoa học, nghề nghiệp, các nhà khoa học, quản lý, các thầy thuốc, lãnh đạo các cơ sở nghiên cứu khoa học, nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh dược liệu trong nước. 

Về phía Hội GDCSSKCĐ Việt Nam có TS. Nguyễn Thiện Trưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam và các ông, bà là Phó Chủ tịch Trung ương Hội: GS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh; PGS.TS. Nguyễn Thị Chính, PGS. BS. TTND. Lê Thị Hằng, TS. Vương Văn Việt; các vị là Ủy viên Ban Thường vụ và lãnh đạo các đơn vị thành viên, hội viên Trung ương Hội tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, Y học cổ truyền dân tộc được xây dựng, phát triển kế thừa từ nền y học của 54 bộ tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, nên nước ta có nền y học truyền thống rất phong phú và đa dạng. Mỗi dân tộc lại có tập quán, tiềm năng, lợi thế về phát triển dược liệu với các loài cây dược liệu và vốn tri thức bản địa quý giá riêng có của mình. Mặt khác, Việt Nam nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa nóng ẩm với 3/4 diện tích phần lục địa là đồi núi, những điều kiện tự nhiên như vậy đã thực sự ưu đãi cho nước ta một hệ thống sinh thái rừng phong phú, đa dạng với hơn 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý, hiếm có giá trị y dược rất cao được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: Sâm Ngọc Linh, Tam thất hoàng, Bách hợp, Thông đỏ, Đinh lăng, Ba kích… đây thực sự là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc góp phần quan trọng cho việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo, mà còn giúp làm giàu. nếu biết tổ chức và quản lý tốt. Tuy nhiên, với tiềm năng, thế mạnh về dược liệu như nêu trên, nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ chủ động được 25% nhu cầu, còn lại 75% nhu cầu vẫn phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu (Chủ yếu từ Trung Quốc và Indonesia).

Ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Nguyễn Hồng Quân - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Quan điểm của phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc là khai thác phải đi đôi với nghiên cứu bảo tồn và đưa vào trồng trọt phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta, trong nhiều thập kỷ qua, do dựa vào thế mạnh có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú, nên người dân chỉ dựa vào nguồn dược liệu từ tự nhiên, chưa thực sự chú trọng công tác phát triển cây thuốc, thể hiện ở tỷ lệ khai thác luôn vượt quá tốc độ tái sinh tự nhiên, nhiều cây thuốc đã phải ghi vào sách đỏ. Chính vì vậy, Việt Nam đang dần mất tự chủ về dược liệu; nguồn dược liệu sử dụng trong nước phần lớn vẫn được nhập khẩu.  

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển dược liệu, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển dược liệu. Cụ thể: Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ Tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ về dược liệu; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 25/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; Quyết định số 1976/QĐ- TTg ngày 30/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể dược liệu đến năm 2020 và đến năm 2030: Các văn bản chỉ đạo về dược liệu đã chỉ rõ: Việt Nam phải chủ động nguồn dược liệu; bảo tồn đa dạng nguồn gen cây thuốc kết hợp với khai thác và phát triển dược liệu ổn định bền vững là nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong cả nước. Để thực hiện được điều đó, việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo những cán bộ có chuyên môn sâu về dược liệu là hết sức cần thiết và phải có kế hoạch ưu tiên xây dựng vùng nuôi trồng và chế biến dược liệu, nhằm đảm bảo  đủ nguyên liệu cho sản xuất thuốc; nhất là trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đã có chính sách quốc gia về thuốc Y học cổ truyền và chiến lược hiện đại hóa nền Y học cổ truyền Việt Nam. Đó là những điều kiện tiếp sức, làm đà cho Y học cổ truyền Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21.

Ông Nguyễn Hồng Quân cho biết thêm: Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, nhà quản lý các cấp và nhà hoạch định chính sách thuộc các bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Sáng kiến tổ chức Hội thảo cho thấy, việc “bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu Việt Nam” không chỉ là mối quan tâm riêng của Chính phủ mà cần phải có sự quan tâm, chung tay của cộng đồng các tổ chức Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân vì sức khỏe cộng đồng…

Tại Hội thảo này, với tinh thần trách nhiệm của mình, Chủ tịch Hội Nguyễn Hồng Quân đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và đề ra các giải pháp đột phá, quyết liệt để huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện bằng được mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1976/QĐ- TTg ngày 30/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tổng thể dược liệu đến năm 2020 và đến năm 2030” theo 04 nhóm vấn đề:

1. Thực trạng về bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu Việt Nam.

2. Cơ chế chính sách thúc đẩy bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu Việt Nam: Những khó khăn, thách thức trong việc phát triển cây dược liệu.

3. Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn nguồn gen và phát triển công nghiệp dược liệu; năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ngành dược liệu.

4. Giải pháp phát triển, sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu; cơ chế chính sách đặc thù để tăng cường việc quản lý, phát triển dược liệu bền vững trên cơ sở phát huy vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương với các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông trong phát triển dược liệu.

Chủ tịch Hội Nguyễn Hồng Quân cũng hy vọng rằng, với các ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu, Hội thảo sẽ chia sẻ kinh nghiệm, giúp các cơ quan tham mưu của Chính phủ định hướng cho việc xây dựng một hệ thống các giải pháp tối ưu nhằm kiểm soát việc “bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu Việt Nam vì sức khỏe cộng đồng” hiệu quả nhất, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tại Hội thảo, nêu bật những tồn tại, khó khăn cho sự phát triển của cây dược liệu Việt Nam, PGS.TS. Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp Trường ĐH Dược Hà Nội, Chuyên gia cao cấp Công ty CP Dược khoa cho hay: Mặc dù đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch,... và dành nhiều nguồn lực cho phát triển dược liệu nhưng đến nay, việc phát triển dược liệu ở Việt Nam vẫn không thực sự phát triển như mong muốn. Nhìn chung, việc phát triển dược liệu ở Việt Nam đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức chính sau:

PGS.TS. Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp Trường ĐH Dược Hà Nội, Chuyên gia cao cấp Công ty CP Dược khoa nêu bật những tồn tại, khó khăn cho sự phát triển của cây dược liệu Việt Nam

PGS.TS. Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp Trường ĐH Dược Hà Nội, Chuyên gia cao cấp Công ty CP Dược khoa nêu bật những tồn tại, khó khăn cho sự phát triển của cây dược liệu Việt Nam

- Sản xuất dược liệu thô, thuốc phiến,… cho YHCT: Thị trường nhỏ do chỉ giới hạn ở trong nước, lại phải cạnh tranh trong “đại dương đỏ” với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam thường đuối sức hơn. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã thử, nhưng thất bại và phải bỏ cuộc sau khi thua lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là cố gắng trồng các cây nhập nội/”thuốc Bắc”. Kết quả là phần lớn dược liệu cho YHCT trong nước vẫn phải nhập khẩu.

- Các doanh nghiệp phát triển các cây bản địa không trực tiếp cạnh tranh với dược liệu Trung Quốc (thuốc Bắc), như Atiso, Dây thìa canh, Kim tiền thảo,... Tuy nhiên phân khúc này có quy mô nhỏ, phần lớn chỉ trồng vài ha đã bão hòa thị trường (do các sản phẩm này "bán cả năm không hết"). Mặc khác, nhiều loại cây dược liệu bản địa đã được phát triển với quy mô lớn ở nhiều địa phương, như Quế, Hồi, Thảo quả,... nhưng ít được các địa phương coi là cây dược liệu.

- Chiết xuất, từ đó tạo ra thuốc hiện đại: Chỉ có rất ít dược liệu được sản xuất theo con đường này, như Thanh hao hoa vàng (sản xuất Artemisinin), Bình vôi (sản xuất rotundine), Vàng đắng (sản xuất Berberin),... nhưng đã ngừng sản xuất và kinh doanh.

- Nhiều khó khăn, thách thức trong chuỗi giá trị dược liệu

Nhận thấy ngành dược liệu Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục khắc phục và hoàn thiện, PGS.TS. Trần Thị Oanh - Nguyên Phó Cục trưởng cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã đề xuất các giải pháp trong thời gian tới bao gồm:

PGS.TS. Trần Thị Oanh - Nguyên Phó Cục trưởng cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã đề xuất các giải pháp trong phát triển cây dược liệu Việt Nam

PGS.TS. Trần Thị Oanh - Nguyên Phó Cục trưởng cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã đề xuất các giải pháp trong phát triển cây dược liệu Việt Nam

- Tiếp tục triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu bảo tồn nguồn gen dược liệu trong nước. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin về nguồn gen quốc gia đầy đủ, thống nhất đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn thông tin đối với các tổ chức cá nhân tham gia vào phát triển dược liệu Việt Nam.

- Đầu tư nghiên cứu khoa học về cây thuốc và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào sản xuất trồng và chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển dươc liệu từ việc tiếp cận chia sẻ thông tin để truy xuất nguồn gốc dược liệu, quản lý các yếu tố đầu vào (hệ thống phần mềm đánh giá chất lượng) đến theo dõi, giám sát quy trình trồng, chăm sóc (bằng hệ thống máy cảm biến và máy tính chủ trung tâm), khâu sơ chế, đóng gói tự động, vận chuyển, lưu trữ và lưu hành sản phẩm với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin dữ liệu lớn (big data).

- Tiếp tục nghiên cứu đánh giá giá trị y học của nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chiết xuất, xác định thành phần dược chất, bào chế các dạng sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tập trung vào các công nghệ tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển dược liệu và có nhiều điều kiện tương tự như Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan…Khai thác hiệu quả các hợp tác quốc tế thông qua nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh trong trồng trọt, chế biến dược liệu và bào chế các loại thuốc từ dược liệu.

- Xây dựng các chương trình đào tạo từ cấp đại học đến sau đại học về nghiên cứu và phát triển dược liệu ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dược liệu. Mở rộng và triển khai thường xuyên các hoạt động tập huấn, đào tạo tại chỗ cho bà con nông dân, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất dược liệu, đào tạo kết hợp chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.

Xuyên suốt Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã báo cáo tham luận với nhiều chủ đề xoay quanh cây dược liệu Việt Nam, ThS. Ngô Quốc Luật - Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & chế biến cây thuốc Viện Dược liệu – Bộ Y tế với tham luận "Phát huy nội lực phát triển sản xuất dược liệu vì sức khỏe cộng đồng - Đề xuất giải pháp phát triển bền vững"; TS. Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế tham luận chủ đề "Quản lý dược liệu và sản phẩm từ dược liệu"; TTND.TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái tham luận "Bảo tồn, phát triển và sử dụng cây thuốc Nam vì sức khỏe cộng đồng tại Yên Bái"; PGS.TS. Phương Thiện Thương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tham luận "Tiềm năng phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây thuốc Cao Bằng".

TS. Nguyễn Thiện Trưởng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu bế mạc hội thảo

TS. Nguyễn Thiện Trưởng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu bế mạc hội thảo

Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thiện Trưởng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam chia sẻ: Có thể thấy, từ những tham luận của các nhà khoa học đã thể hiện được sự quyết tâm cũng như thấy rõ sự quan trọng của việc bảo tồn, phát triển, khai thác, sử dụng cây dược liệu Việt Nam trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các vấn đề đã được nêu ra là những thực trạng, cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ và những giải pháp cùng nhiều ý kiến có giá trị khoa học, thực tiễn thiết thực. Với sự thành công của hội thảo, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam mong muốn những bài thuốc quý, những dược liệu quý sẽ được đưa vào sử dụng, để chăm sóc sức khỏe nhân dân và trong thời gian tới chúng ta có nhiều cơ hội hơn trong việc bảo tồn, phát triển, khai thác nguồn dược liệu Việt Nam.

Đối với những ý kiến, kiến nghị quý báu của các diễn giả và nội dung các bài tham luận của các đại biểu khác là những chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, những y bác sỹ, thầy thuốc, doanh nhân nuôi trồng và sản xuất dược liệu nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với cây dược liệu Việt Nam, do thời gian Hội thảo hạn chế, chưa có cơ hội phát biểu, thảo luận, TS. Nguyễn Thiện Trưởng cam kết, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp, ghi chép đầy đủ, chính xác và cho biết thêm, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam Nguyễn Hồng Quân có chỉ đạo tập hợp những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu của Hội thảo ngày hôm nay, để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp, làm việc của Lãnh đạo Trung ương Hội với Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được tổ chức được thời gian tới. 

Một số hình ảnh tại hội thảo khoa học:

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

TS. Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế tham luận chủ đề

TS. Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế tham luận chủ đề "Quản lý dược liệu và sản phẩm từ dược liệu"

ThS. Ngô Quốc Luật - Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & chế biến cây thuốc Viện Dược liệu – Bộ Y tế với tham luận

ThS. Ngô Quốc Luật - Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & chế biến cây thuốc Viện Dược liệu – Bộ Y tế với tham luận "Phát huy nội lực phát triển sản xuất dược liệu vì sức khỏe cộng đồng - Đề xuất giải pháp phát triển bền vững"

TTND.TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái tham luận

TTND.TS.BS. Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái tham luận "Bảo tồn, phát triển và sử dụng cây thuốc Nam vì sức khỏe cộng đồng tại Yên Bái"

PGS.TS. Phương Thiện Thương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tham luận

PGS.TS. Phương Thiện Thương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tham luận "Tiềm năng phát triển sản phẩm chăm cíc sức khỏe từ cây thuốc Cao Bằng"

Lãnh đạo Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, thầy thuốc, bác sỹ

Lãnh đạo Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, thầy thuốc, bác sỹ

Hoàng Anh - Thu Trang

comment Bình luận

largeer