Indonesia đã nhận 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 của Trung Quốc

Indonesia đã nhận được lô vắc xin COVID-19 đầu tiên từ Trung Quốc, trong lúc chính phủ nước này lên kế hoạch tổ chức tiêm chủng đại trà để mở lại du lịch ở đảo Bali năm tới.
08/12/2020 19:48
Indonesia đã nhận 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 của Trung Quốc - Ảnh 1.

 

Lô 12 triệu liều vắc xin COVID-19 do Trung Quốc phát triển đã được chuyển tới Indonesia cuối tuần qua - Ảnh: AP

Theo đài ABC (Úc), ngày chủ nhật vừa qua 6-12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 do hãng dược phẩm Sinovac của Trung Quốc sản xuất đã được chuyển tới nước này.

Dự kiến còn 1,8 triệu liều nữa và các vật liệu thô để sản xuất khoảng 45 triệu liều vắc xin COVID-19 sẽ được chuyển tới Indonesia trong năm 2021.

Cũng theo ông Widodo, vắc xin CoronaVac của SinoVac vẫn còn phải chờ được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Indonesia (BPOM) phê chuẩn, trong lúc chính phủ tiếp tục các khâu chuẩn bị để phân phối vắc xin tới toàn dân.

Theo kế hoạch, các cư dân trên đảo Bali có thể là những người đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19 của Trung Quốc.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, việc triển khai tiêm vắc xin tại Bali hứa hẹn giúp hòn đảo này trở thành "vùng xanh" từ đầu năm tới.

Indonesia đã nhận 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 của Trung Quốc - Ảnh 2.

 

Trung Quốc dự kiến tới cuối năm sau sẽ sản xuất được 610 triệu liều vắc xin COVID-19 cung cấp cho các nước nghèo - Ảnh: ABC

Trong cuộc đua phát triển vắc xin COVID-19 toàn cầu, Trung Quốc đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn tại ít nhất 16 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước phát thông cáo chính thức cho biết đã đặt mua 50 triệu liều vắc xin CoronaVac, và dự kiến nhận lô hàng đầu tiên vào thứ sáu tuần này (11-12).

Mặc dù còn phải giải quyết một nhiệm vụ khổng lồ là tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 1,4 tỉ dân trong nước, song chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cam kết sẽ cung cấp vắc xin cho các nước khác như một loại "hàng hóa công toàn cầu".

Trong giai đoạn chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng cuối cùng của CoronaVac, Trung Quốc đã ký thỏa thuận cung cấp vắc xin COVID-19 do họ phát triển với các nước Brazil, Chile, Indonesia, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng Sinovac vẫn đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với CoronaVac tại các nước vừa nêu.

Trong nhận định của giới quan sát, Bắc Kinh đang triển khai chiến lược mà họ gọi là "ngoại giao vắc xin", cho rằng điều này có thể giúp dẫn tới những thay đổi trong vị thế địa chính trị của Trung Quốc.

Giống như Indonesia, một số nước đang tham gia triển khai thử nghiệm lâm sàng CoronaVac như Brazil cũng đã nhận được 120.000 liều vắc xin này từ tháng trước.

Indonesia đã nhận 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 của Trung Quốc - Ảnh 3.

 

Tại Brazil, Thống đốc bang Sao Paulo, ông Joao Doria, vui mừng khi nhận được lô vắc xin CoronaVa từ Trung Quốc chuyển tới - Ảnh: AP

Các nước khác, trong đó có Chile và Philippines, dự kiến sẽ đặt mua hàng triệu liều vắc xin CoronaVac từ công ty Trung Quốc.

Trong quá trình thúc đẩy các cuộc thử nghiệm và đưa vào sử dụng vắc xin COVID-19, Trung Quốc cũng đã tham gia liên minh COVAX, sáng kiến toàn cầu nhằm tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng với các vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo.

Bắc Kinh hy vọng với sáng kiến này, có tới 610 triệu liều vắc xin sẽ được sản xuất cho tới cuối năm 2021.

Quan sát những bước đi của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ những nước nghèo hơn vốn không đủ tiềm lực kinh tế để mua vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech hay Moderna, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế, trong đó có ông Jacob Mardell, chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS), cho rằng đó có thể là cách chính quyền Trung Quốc củng cố thêm quan hệ liên minh với các nước đang phát triển.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer