Indonesia giảm thời gian cách ly người nhập cảnh, Brazil nhận tin buồn về COVID-19

Bộ trưởng Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia thông báo, nước này sẽ giảm thời gian cách ly sau khi nhập cảnh đối với du khách quốc tế từ 8 ngày xuống còn 5 ngày.
09/10/2021 08:13

Phát biểu trước báo giới hôm 8/10 sau một cuộc họp với Tổng thống Joko Widodo ở Jakarta, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Airlangga Hartarto cho hay, quyết định rút ngắn thời gian cách ly nói trên nhằm tạo điều kiện cho đất nước tái mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

21

Indonesia đang đẩy mạnh tiêm phòng COVID-19 cho người dân

Ngoài Bali, Tổng thống Jokowi cũng kêu gọi các quan chức bắt đầu chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch trở lại ở những hòn đảo khác, chẳng hạn như quần đảo Riau.

Theo kế hoạch, Bali có thể chào đón du khách nước ngoài bằng cách mở cửa sân bay quốc tế Ngurah Rai từ ngày 14/10. Các du khách sau khi nhập cảnh sẽ phải tự cách ly đủ 5 ngày và thường xuyên thực hiện xét nghiệm PCR.

Hãng thông tấn Antara đưa tin, Gde Sumarjaya Linggih, Phó Chủ tịch Ủy ban 6 thuộc Hạ viện Indonesia đã lên tiếng hoan nghênh quyết định mới của chính phủ, đồng thời bày tỏ hy vọng được chứng kiến số du khách quốc tế đến nước này gia tăng. Ông Linggih trích dẫn số liệu thống kê chính thức cho thấy, số lượng du khách đến tỉnh Bali đã giảm tới 99,99% khi Indonesia đóng cửa biên giới và triển khai các biện pháp phòng chống virus nghiêm ngặt.

"Đây sẽ là động thái tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là Bali. Tôi hy vọng Bali có thể hồi phục du lịch càng sớm càng tốt. Tôi lạc quan rằng COVID-19 sẽ được kiểm soát như chúng ta mong đợi", ông Linggih nói.

Tính đến ngày 9/10, Indonesia vẫn là "ổ dịch" lớn nhất Đông Nam Á với hơn 4,2 triệu ca mắc, 142.560 trường hợp tử vong. 36% dân số toàn quốc đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 20% đã hoàn tiêm chủng.

Ca tử vong ở Brazil vượt mốc 600.000

Theo Reuters, Brazil hôm 8/10 đã trở thành nước thứ hai trên thế giới sau Mỹ vượt ngưỡng 600.000 ca tử vong, một cột mốc buồn đối với quốc gia Nam Mỹ.

Tổng thống Jair Bolsonaro đã khiến các chuyên gia y tế phẫn nộ vì không cho triển khai những biện pháp khống chế dịch. Ông Bolsonaro bị chỉ trích vì kiên quyết phản đối phong tỏa, liên tục bày tỏ sự hoài nghi đối với các vaccine ngừa COVID-19 và thường xuyên không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 18.172 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 560 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên gần 21,6 triệu, trong đó 600.425 bệnh nhân đã thiệt mạng.

Bất chấp cột mốc buồn, hiện có những dấu hiệu cho thấy số ca lây nhiễm ở Brazil cuối cùng cũng bắt đầu giảm khi nhà chức trách đẩy mạnh tiêm chủng. 73% dân số Brazil được tiêm một liều vaccine và 46% đã tiêm đủ liều.

Romania nhờ Hungary điều trị giúp bệnh nhân

Thứ trưởng Nội vụ Romania Raed Arafat tiết lộ, nước này đang đàm phán với Hungary về khả năng chuyển một số bệnh nhân COVID-19 sang nhờ nước bạn điều trị, trong bối cảnh Bucharest phải vật lộn ứng phó với tình trạng ca mắc mới tăng cao kỷ lục và các bệnh viện thiếu giường chăm tích cực.

Theo Reuters, trước đó, Ngoại trưởng Hungaria Peter Szijjarto đã viết thư bày tỏ nước này mong muốn trợ giúp Romania.

Tổng cộng 357 người đã tử vong vì virus ở Romania trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Song, số ca mắc mới giảm nhẹ xuống 13.854 ca sau khi vọt lên mức kỷ lục hơn 15.000 người hồi đầu tuần này.

Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Romania dự kiến sẽ nhận 250 máy tạo oxy từ Ba Lan và Hà Lan, thông qua cơ chế bảo vệ dân sự của khối. Quốc gia này hiện có tỷ lệ tiêm chủng cho dân thấp thứ hai EU, với chỉ 28% dân số toàn quốc được tiêm đủ liều vaccine.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 9/10 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho gần 238 triệu người, gần 4,9 triệu ca tử vong. Song, xấp xỉ 215 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 45,1 triệu ca mắc, gần 732.115 bệnh nhân không qua khỏi. 56% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 2% đã được tiêm mũi vaccine bổ sung, theo báo New York Times. Cuối ngày 8/10, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố, nước này sẽ cho phép nhập cảnh đối với các du khách quốc tế sử dụng những loại vaccine COVID-19 được cơ quan quản lý trong nước hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt. Cho đến nay, tổng cộng có 6 loại vaccine được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hoặc WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

- Cùng ngày, Hàn Quốc và Singapore nhất trí dỡ bỏ hoặc nới lỏng quy định cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ. Cụ thể, từ ngày 15/11, khách từ Hàn Quốc nhập cảnh Singapore sẽ không phải cách ly bắt buộc 7 ngày theo quy định hiện hành ở đảo quốc sư tử. Những người nhập cảnh sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận đã hoàn thành tiêm chủng trước đó ít nhất 2 tuần và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 - 72 giờ.

- Ngày 8/10, Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 731 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong. Dữ liệu phản ánh, số ca lây nhiễm tại nước này đang tăng trở lại, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 27.607 người, bao gồm 24 trường hợp tử vong.

- Công ty dược phẩm Mỹ Moderna tuyên bố sẽ cung cấp thêm 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp vào năm 2022, ngoài số liều đã cam kết đối với chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu Covax, do WHO điều phối.

- Theo Bộ Y tế Anh, những người tham gia thử nghiệm các loại vaccine COVID-19 chưa được phê duyệt ở nước này, bao gồm cả Novavax và Valneva, sẽ được tiêm bổ sung vắc xin để họ có thể được đi du lịch.

Theo Vietnam.net

comment Bình luận

largeer