Ít tiếp xúc với ánh nắng có thể tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng

Các nhà nghiên cứu tại Đại học California-San Diego (Mỹ) phát hiện, việc ít tiếp xúc với tia UVB trong ánh nắng có liên quan đến sự gia tăng đáng kể nguy cơ ung thư đại trực tràng ở tất cả các nhóm tuổi, từ 0 đến hơn 75 tuổi.
04/08/2022 16:57

Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y khoa Anh BMC Public Health, các chuyên gia đã đối chiếu dữ liệu ước tính UVB do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập và tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở 186 quốc gia từ cơ sở dữ liệu Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN). Họ phát hiện mối liên quan giữa ít tiếp xúc với tia UVB và tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng rõ rệt nhất là ở nhóm đối tượng trên 45 tuổi, sau khi đã tính đến các yếu tố khác như sắc tố da, tuổi thọ và thói quen hút thuốc. Nhóm nghiên cứu cho rằng ít tiếp xúc với tia UVB có thể làm giảm nồng độ vitamin D trong cơ thể. Trước đó, thiếu vitamin D từng được chứng minh có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Được biết, da người có chứa hợp chất 7-dehydrocholesterol, tiền thân của vitamin D. Khi ánh nắng chiếu vào da, tia UVB trong ánh nắng sẽ phá vỡ liên kết phân tử của 7-dehydrocholesterol và chuyển hóa thành vitamin D3, giúp cơ thể dễ hấp thụ canxi hơn. Các chuyên gia cũng cho biết tia UVB tuy có khả năng tổng hợp vitamin D nhưng nếu tiếp xúc với cường độ cao cũng có những tác hại nhất định, do đó, họ khuyến cáo thời gian phù hợp nhất để tắm nắng là trước 9 giờ và sau 16 giờ.

Theo các chuyên gia, nghiên cứu tiếp theo có thể tìm hiểu những lợi ích tiềm năng của việc bù đắp sự thiếu hụt vitamin D đối với bệnh ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ở nhóm người lớn tuổi.

Theo SciTechDaily.com

comment Bình luận

largeer