Khám phá công dụng của lá sương sâm

Sương sâm là loại cây dân dã quen thuộc, nhất là ở Nam Bộ. Lá sương sâm thường được dùng làm thạch giải nhiệt, thanh mát cơ thể, đồng thời còn giúp mát gan, hỗ trợ tiêu hóa và giải độc.
03/07/2025 16:09

Hoạt chất sinh học trong lá sương sâm

Lá sương sâm có hình tim, thường được vò nát hoặc giã để tạo thành lớp gel sánh mịn làm thạch giải nhiệt. Thế nhưng, ngoài công dụng thanh mát cơ thể, lá sương sâm còn hỗ trợ tiêu hóa và góp phần phòng ngừa một số bệnh lý chuyển hóa.

Thành phần lá sương sâm chứa nhiều flavonoid và polyphenol là những hợp chất chống ô-xy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương DNA, từ đó giảm nguy cơ đột biến dẫn đến ung thư. Đặc biệt, nghiên cứu đăng trên Journal of Natural Products (Mỹ) cho thấy, Tiliacorinine và Tiliacorine chiết xuất từ sương sâm có khả năng tiêu diệt mạnh các dòng tế bào ung thư gan và đường mật. Cơ chế tác động của chúng bao gồm phá hủy màng tế bào, ngăn chặn chu trình phát triển tế bào ung thư và hạn chế hình thành mạch máu nuôi khối u.

Empty

Cây xương sâm (Ảnh minh họa)

Ứng dụng tiềm năng trong hỗ trợ điều trị ung thư gan, mật

Dù chưa được xem là phương pháp điều trị chính trong y học hiện đại, sương sâm vẫn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia nhờ tiềm năng hỗ trợ trong điều trị ung thư gan và đường mật.

Ở giai đoạn đầu khi bệnh chưa có triệu chứng rõ rệt, sương sâm có thể giúp làm mát gan, hỗ trợ hoạt động của mật và giảm tổn thương tế bào do viêm kéo dài. Trong quá trình điều trị, việc bổ sung thạch sương sâm hợp lý có thể giúp giảm stress ô-xy hóa, tăng cường miễn dịch và duy trì thể trạng, đặc biệt với bệnh nhân đang hóa trị hoặc xạ trị.

Sau can thiệp y khoa, sương sâm còn được đánh giá là lựa chọn hỗ trợ phục hồi gan và thanh lọc cơ thể nhờ đặc tính giải nhiệt, dịu nhẹ với hệ tiêu hóa, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình hồi phục.

Empty

Thạch sương sâm (Ảnh minh họa)

Những lưu ý và nguy cơ khi sử dụng sương sâm

Dù sương sâm có nhiều lợi ích, nhưng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Người dùng có thể gặp rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đặc biệt nếu có cơ địa lạnh hoặc đang điều trị ung thư bằng hóa trị khiến hệ tiêu hóa yếu đi. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy sử dụng liều quá cao các alkaloid trong sương sâm có thể gây độc cho gan ở động vật thí nghiệm.

Một số đối tượng cần tránh dùng sương sâm hoàn toàn, bao gồm: phụ nữ mang thai, người suy gan nặng, bệnh nhân vừa phẫu thuật hoặc đang dùng thuốc chống đông máu, do nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng đông máu và chuyển hóa thuốc.

Món ngon từ sương sâm

Sương sâm phổ biến nhất là món thạch sương sâm ăn kèm nước đường thốt nốt và đá bào, mang lại cảm giác mát lạnh, giải nhiệt tức thì trong ngày nóng. Bạn cũng có thể kết hợp thạch sương sâm với nước cốt dừa, thêm chút muối mè rang để tăng vị béo và thơm. Ngoài ra, sương sâm còn được biến tấu trong các loại chè thập cẩm, sữa chua sương sâm hoặc mix cùng hạt é, hạt chia tạo thành món detox ngon miệng. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho bữa xế hoặc món tráng miệng lành mạnh, dễ ăn và tốt cho hệ tiêu hóa.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

comment Bình luận