Khi nào COVID-19 là bệnh đặc hiệu

Trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 đã vượt qua 2 triệu người và số ca nhiễm gần đến 100 triệu ca, chúng ta vẫn hi vọng thế giới bình an hơn, dịch COVID-19 sẽ như "bóng câu qua cửa sổ".
19/01/2021 11:39

Tạp chí Science hôm 12/1 đã đăng nghiên cứu với đầu đề "Các đặc điểm miễn dịch chi phối quá trình chuyển đổi COVID-19 thành bệnh đặc hiệu" của các nhà khoa học Mỹ Jennie S. Lavine và Rustom Antia ở Đại học Emory cùng Ottar N. Bjornstad ở Đại học bang Pennsylvania.

Nghiên cứu đánh giá dịch COVID-19 có thể sẽ không bao giờ kết thúc, dù vậy một khi số người đạt khả năng miễn dịch đến mức nào đó (miễn dịch nhờ vắc xin hoặc miễn dịch vì đã từng mắc bệnh), COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh nhẹ như chứng cảm lạnh thông thường và sẽ lây lan ở mức độ khá thấp.

Tác giả nghiên cứu chính Jennie Lavine (nghiên cứu sinh sau tiến sĩ) giải thích: "Thời gian đạt đến giai đoạn này nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của cộng đồng. Số người sẽ nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng vắc xin càng nhiều, chúng ta càng sớm đạt đến giai đoạn đặc hiệu này".

covid

Để đưa ra kết luận trên, 3 nhà khoa học Mỹ đã quan sát quá trình hoạt động của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Đầu tiên họ so sánh SARS-CoV-2 với 6 virus corona khác ảnh hưởng đến con người gồm 4 virus gây cảm lạnh thông thường, SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông).

Kết quả cho thấy SARS-CoV-2 hoạt động giống các virus corona gây chứng cảm lạnh thông thường.

Kế đến họ nhận thấy một khi hiện tượng nhiễm trùng lặp đi lặp lại thường xuyên, hệ miễn dịch sẽ đủ mạnh để cuối cùng bệnh chỉ gây ra triệu chứng nhẹ.

Nói cách khác, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lưu hành nhưng trong tương lai không còn gây ra tử vong. Đánh giá nêu trên đã được nhiều nhà khoa học chia sẻ.

TS Romulus Breban thuộc khoa dịch tễ học các bệnh mới nổi tại Viện Pasteur Pháp đã so sánh COVID-19 như bệnh cúm mùa.

Ông nhận xét: "Hệ thống y tế của chúng ta cần phải thích nghi để hoạt động lâu dài… Virus corona sẽ còn gây hậu quả trong nhiều thập niên tới. Chúng ta đang sống với căn bệnh theo mùa này và rồi nó sẽ không còn được coi là căn bệnh quan trọng hàng đầu nữa… Chúng ta tiến đến giai đoạn ngăn chặn dịch bệnh bởi đã có chiến lược tiêm chủng và có các cơ cấu giám sát ở quy mô quốc tế".

Dù vậy, Jennie Lavine cùng các đồng nghiệp lưu ý vẫn có ngoại lệ trong kịch bản lạc quan nêu trên. Ví dụ bệnh MERS sẽ không diễn ra theo kịch bản này vì gây tử vong cao ở trẻ em. Trong trường hợp này, tiêm phòng sớm là điều cần thiết như đối với bệnh sởi.

Vậy đối với các virus đột biến thì sao? Ba nhà nghiên cứu đánh giá các biến thể virus mới sẽ không thay đổi gì nhiều vì tình trạng tái nhiễm thường xuyên với các chủng virus khác nhau sẽ củng cố thêm khả năng miễn dịch.

Vấn đề này ít xảy ra hơn sau khi tiêm chủng vắc xin vì vắc xin tạo ra ít điểm kháng nguyên hơn (vùng kháng nguyên tương tác với các kháng thể).

Trang web khoa học Futura (Pháp) đánh giá trong khi chờ đợi giai đoạn miễn dịch đặc hiệu xảy đến có khi phải mất vài thập niên, niềm hi vọng duy nhất bây giờ để loại trừ COVID-19 chính là tiêm chủng vắc xin.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer