Khi trẻ bị bệnh cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, cha mẹ cần bỏ túi ngay những nguyên tắc này

Nếu sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, tình trạng bệnh của bé sẽ lai dai không dứt, thậm chí còn tái lại nặng hơn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số quy tắc nhất định.
03/04/2021 08:27

Kháng sinh là các loại thuốc có khả năng giết chết vi khuẩn gây bệnh viêm nhiễm có hại cho cơ thể con người. Tuy nhiên, thuốc không hoàn toàn tiêu diệt hết vi khuẩn vì có nhiều loại vi khuẩn mạnh nhất có thể phát triển và lây lan. Vì vậy, trong những trường hợp này, kháng sinh giúp làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn.

Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn. Nó không có tác dụng cho các bệnh nhiễm trùng do virus gây nên.

khang sinh

Hình minh họa.

1. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ dẫn của bác sĩ

Đặc biệt đối với trẻ em, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần phải hết sức thận trọng và lưu ý. Trẻ sơ sinh chỉ nên dụng kháng sinh khi bị bệnh do vi khuẩn (có bằng chứng nhiễm khuẩn) hoặc trẻ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Do là thuốc nên bất kỳ cho bé sử dụng một loại thuốc kháng sinh nào đều cần phải có sự tư vấn, chỉ định của các bác sĩ. Bởi thực tế, nếu cha mẹ lạm dụng và sử dụng kháng sinh bừa bãi cho con có thể dẫn tới kháng kháng sinh, dân gian còn gọi là "nhờn thuốc". Khi bị bệnh ở lần tiếp theo, dùng kháng sinh sẽ bị giảm hoặc mất tác dụng.

Việc cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: Tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong.

2. Không tự ý dừng dùng kháng sinh nửa chừng cho con

Sau khi uống kháng sinh, tình trạng bệnh của bé đã thuyên giảm, bé đã có thể nô đùa, ăn uống một cách bình thường khiến cha mẹ nhầm tưởng bé đã khỏe hẳn và không tiếp tục dùng kháng sinh theo đúng đơn kê về liều lượng và thời gian sử dụng cho bé. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không nên và phụ huynh cần chú ý. Bởi tùy vào loại kháng sinh sẽ có phác đồ điều trị trong những khoảng thời gian khác nhau.

Khi trẻ bị bệnh do vi khuẩn khi đáp ứng kháng sinh có thể hết sốt, chơi lại bình thường, nhưng nếu ngưng kháng sinh, vô hình trung khiến một số vi khuẩn còn sót lại sẽ sinh sôi nảy nở tiếp và làm triệu chứng quay trở lại, trẻ sẽ bị tái bệnh, thậm chí còn xảy ra hiện tượng kháng kháng sinh. Vì thế trẻ cần được duy trì nồng độ kháng sinh phải luôn ở trên mức diệt khuẩn, nghĩa là luôn luôn ở trên mức nồng độ tối thiểu để ức chế vi khuẩn đó cho đến hết liệu trình điều trị.

3. Tuân thủ thời điểm và liều lượng thuốc

Theo nghiên cứu, để thuốc kháng sinh có tác dụng tối đa, nên uống thuốc vào lúc đói trước bữa ăn, trừ một số kháng sinh có tác dụng không mong muốn ở đường tiêu hóa thì mới uống vào lúc no. Tùy vào loại thuốc mà trẻ uống, bác sĩ sẽ có những tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Thông thường các loại thuốc kháng sinh được uống 2 lần trong ngày, cách nhau khoảng 12 giờ, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ. 

- Liều lượng thuốc hàng ngày phải được dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý tăng hay giảm liều, nhất là giảm liều sẽ làm cho kháng sinh tác dụng không đầy đủ và gây nên kháng thuốc. 

4. Không cho trẻ uống kháng sinh chung với sữa

Ngoài nước và các chất hữu cơ, trong sữa còn có rất nhiều chất khoáng đa vi lượng. Với hàm lượng lipid cao và độ kiềm cao, sữa làm chậm sự hấp thu của một số thuốc như kháng sinh cefuroxim. Đặc biệt lượng canxi dồi dào trong sữa có thể gây tương tác bất lợi với thuốc (canxi có thể tác dụng với thuốc, tạo thành phức hợp khó tan và không hấp thu được).

Các kháng sinh có thể mất hiệu lực khi dùng cùng lúc với sữa... Đối với trẻ nhỏ bú bình: trẻ có thể không bú hết lượng sữa trong bình hoặc thuốc bị dính thành bình dẫn đến sử dụng thuốc không đủ liều. Một số trẻ có thể sợ bình sữa, bỏ bú vì sữa có thuốc đắng quá.

Do đó, cha mẹ không nên cho trẻ uống chung thuốc kháng sinh với sữa.

Minh Hằng (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer