Kiểm soát POP và thủy ngân: Thách thức từ sản xuất đến tiêu dùng ở Việt Nam

Dự án “Giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân” vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường khởi động nhằm giảm khoảng 35 tấn POP và 648 kg thủy ngân nhờ quản lý vòng đời sản phẩm và áp dụng nhãn sinh thái đối với các ngành dùng hóa chất độc hại — song tiến trình thực hiện vẫn đầy thử thách do thiếu dữ liệu, nhận thức cộng đồng còn yếu và hệ thống tài chính hỗ trợ chưa hoàn thiện.
14/07/2025 17:21

Thông tin được đề cập tại hội thảo khởi động Dự án Giảm thiểu phát thải POP và thủy ngân, tập trung vào quản lý vòng đời sản phẩm, phát triển nhãn sinh thái và thiết lập cơ chế “tài chính xanh”, vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức tại Hà Nội ngày 11/7 vừa qua. Đây là một trong những nỗ lực nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và môi trường, dù Việt Nam không sản xuất trực tiếp các chất như PBDE, PFOS hay PFOA, nhưng vẫn nhập khẩu và sử dụng rộng rãi chúng trong sản xuất nhựa PVC, sơn, chất chống cháy, phụ gia cao su, thiết bị điện tử… Năm 2022, Việt Nam nhập 737.000 tấn nhựa PVC, trong đó hơn 220.000 tấn từ Trung Quốc — nhiều khả năng có chứa POP. Đáng lưu ý, các chất POP như SCCP và MCCP có thể tồn tại trong các sản phẩm này dưới dạng phụ gia và chưa được kiểm soát triệt để.

Ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân đang là thách thức lớn đối với những nỗ lực bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân đang là thách thức lớn đối với những nỗ lực bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Dự án “Giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” được khởi động đã đặt ra mục tiêu giảm 35 tấn POP và 648 kg thủy ngân. Chiến lược hướng tới quản lý vòng đời sản phẩm từ đầu đến cuối, áp dụng nhãn sinh thái và triển khai các chính sách tài chính hỗ trợ xanh.

Với vai trò đầu mối triển khai Công ước Stockholm và Minamata, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa các quy định về POP vào Luật Bảo vệ môi trường 2020, phát triển quy chuẩn kỹ thuật môi trường về các chất này.

Theo Cục trưởng Hoàng Văn Thức, Việt Nam hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu định lượng về hàm lượng POP trong nhiều vật liệu nhập khẩu như PVC, EVA và keo dán; nhiều sản phẩm cũ trước 2016 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát thải POP và cần đánh giá, xử lý trong giai đoạn cuối đời. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động kiểm soát chất POP theo yêu cầu của công ước Stockholm, tiến tới không dùng, không sản xuất các chất POP. Bộ đã phối hợp với nhiều địa phương, các bộ ngành khác để triển khai các quy định về quản lý chất POP. Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp và người dân vẫn hạn chế, “quản lý vòng đời sản phẩm” và “nhãn sinh thái” chưa thành hành vi phổ biến. Đây là một trong những thách thức với chúng ta trong việc triển khai và đạt được các mục tiêu kiểm soát POP trong sản phẩm. 

Cũng chia sẻ tại sự kiện, đại diện UNDP nhấn mạnh tính cấp thiết của chỉ đạo liên ngành giữa các bộ, ngành và địa phương. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cũng được xác định là yếu tố then chốt, bên cạnh hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp sử dụng vật liệu thay thế và công nghệ sạch.

Có liên quan trực tiếp tới lĩnh vực, đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn thiếu nhận thức về POP, đồng thời bày tỏ mong muốn được kết nối, khảo sát thực tế và tìm giải pháp thay thế để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, chuyên gia kỹ thuật cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp về vật liệu thay thế, xét nghiệm và đánh giá tiêu chuẩn POP trong bối cảnh hiện nay năng lực tái chế còn hạn chế…

Các chuyên gia nhất trí quan điểm, Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý phù hợp và cam kết quốc tế rõ ràng, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải POP và thủy ngân, cần tổng hòa nhiều giải pháp: Dữ liệu khoa học đầy đủ, giám sát chặt vòng đời sản phẩm; Cơ chế tài chính xanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất; Truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức cộng đồng; Phối hợp liên ngành quyết liệt, đảm bảo thực thi hiệu quả...

Chỉ khi mục tiêu môi trường và phát triển bền vững được đồng bộ từ chính sách đến thực tế, chương trình mới phát huy hiệu quả thật sự.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận