Lạc quan, tự trọng giúp cải thiện chất lượng sống người già

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter (Anh) khẳng định, chất lượng sống của người già có thể được cải thiện nếu duy trì tâm lý tích cực.
13/03/2023 17:53

Kết luận trên được rút ra sau khi họ tiến hành quan sát 1.547 bệnh nhân mất trí nhớ mức độ từ nhẹ đến vừa. Những người tham gia tự đánh giá chất lượng cuộc sống cá nhân, cũng như sự hài lòng với cuộc sống và sức khỏe tổng thể. Nhóm nghiên cứu nhận thấy các khía cạnh tâm lý gồm sự lạc quan, tự trọng, cô đơn và trầm cảm đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng sống. Trong đó, yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp tối ưu hóa sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống chính là sự lạc quan và tự trọng - theo Giáo sư Linda Clare, trưởng nhóm nghiên cứu.

Từ phát hiện trên, nhóm nghiên cứu đề nghị giới chức y tế nên xem xét các cách thức hỗ trợ người mất trí nhớ phòng tránh trầm cảm, khuyến khích họ tăng cường kết nối xã hội và tích cực vận động thể chất.

Ảnh: iStock

(Ảnh: iStock)

3 hình thức vận động có thể đảo ngược lão hóa não

Một nghiên cứu công bố gần đây trên Tạp chí Thần kinh học cho thấy việc thực hành các bài tập làm tăng nhịp tim và hơi thở trong 35 phút, 3 lần/tuần có thể giúp cải thiện chức năng não bộ. Theo đó, những người duy trì luyện tập trong 6 tháng đều cải thiện điểm số trong các bài kiểm tra tư duy - tương đương với đảo ngược tác động của 9 năm lão hóa. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng tập thể dục không chỉ làm giảm vòng eo “bánh mì” và căng thẳng tinh thần, mà còn ảnh hưởng lâu dài tới chức năng bộ não khi về già.

Theo Tiến sĩ Shirish Hastak, chuyên gia thần kinh tại Bệnh viện Wockhardt (Ấn Độ), dưới đây là 3 loại hình vận động có thể tối ưu hóa chức năng não bộ.

Đi bộ nhanh: Đây là dạng bài tập dễ dàng thực hiện ở bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy có cường độ vận động thấp, song đi bộ nhanh có thể làm tăng lưu lượng máu lên não, từ đó bảo đảm cơ chế duy trì nguồn cung glucose, khí ôxy và các dưỡng chất khác cho não, đồng thời loại bỏ các phế phẩm tồn đọng trong mô não. Để tiếp nhận tối đa những lợi ích mà bài tập này mang lại cho não bộ (cũng như các khớp xương, cơ, mạch máu và chức năng tuần hoàn máu), Tiến sĩ Shirish Hastak khuyến nghị duy trì thói quen đi bộ nhanh khoảng 30 phút/ngày.

Bơi lội: Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, bơi lội làm tăng lưu lượng máu đến não, giúp cải thiện trí nhớ, tâm trạng, sự minh mẫn và tập trung. Lý do là khi vận động dưới nước, nhịp tim, lượng máu chảy đến động mạch ở não giữa và não sau cũng sẽ tăng lên.

Đạp xe: Đây cũng là một bài tập giúp duy trì lưu lượng máu đến não, cung cấp một lượng ôxy và chất dinh dưỡng ổn định cho cơ quan này. Nhờ đó, đạp xe được cho có thể giúp duy trì khả năng suy nghĩ, học hỏi và phán đoán sắc bén ở người lớn tuổi.

Theo The News Indian Express

comment Bình luận

largeer