Lai Châu chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 trên địa bàn tỉnh

Ngày 18/7/2023, UBND tỉnh Lai Châu ban hành công điện số 05/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 trên địa bàn tỉnh.
19/07/2023 10:03

Công điện nêu rõ: Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 19h ngày 17/7/2023, vị trí tâm bão số 1 (tên quốc tế là TALIM) ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc, 111,1 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 330km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, dự báo trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh Lai Châu có thể có mưa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Thực hiện Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống thiên tai tại cuộc họp ngày 17/7/2023 và Công điện số 885/CĐ-TL-ATĐ ngày 16/7/2023 của Cục thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh; các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố; Ban QLDA Nhà máy thủy điện Sơn La; Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các nội dung sau:

Ảnh: UBND tỉnh Lai Châu

Ảnh: UBND tỉnh Lai Châu

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo kịp thời, đầy đủ đến người dân để ứng phó chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Khẩn trương rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; không để người dân sinh sống tại các lán trông coi thủy sản, nương rẫy; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.

3. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về kiến thức, kỹ năng ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét và gió giật mạnh như: gia cố, chằng, chống mái nhà hiện dùng vật liệu dễ bị tốc, vỡ (proximăng, ngói); che chắn xung quanh bảo vệ vật dụng trong nhà, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại. Cảnh báo và tổ chức kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để Nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua suối… khi đang có mưa lũ.

4. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở đất, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường đặc biệt là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp, hỗ trợ thực hiện khắc phục mưa lũ, hỗ trợ chính quyền trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

5. Khoanh vùng cụ thể diện tích nông nghiệp có nguy cơ ngập lụt để có phương án cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa lũ. Khi xảy ra mưa lớn cục bộ có nguy cơ ngập lụt phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu thoát nước, đảm bảo giảm thiểu tối đa thiệt hại; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho công trình hạ tầng tại các điểm xung yếu.

6. Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, các hồ chứa có cửa van xả lũ chủ động điều chỉnh mực nước hồ để đón lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành, triển khai thực hiện. Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa nước về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh, huyện và các cơ quan liên quan để chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý kịp thời.

7. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với các điểm khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi,…).

8. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng: Rà soát tiến độ thực hiện của các dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án ứng phó kịp thời với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình, đặc biệt đối với các dự án xây dựng tại khu vực sông, suối như: kè, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt,...

9. Các sở, ban, ngành tỉnh, các lực lượng vũ trang trên địa bàn phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.

10. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác thông tin, cảnh báo, theo dõi sát diễn biến bão và hoàn lưu bão, báo cáo kịp thời để UBND tỉnh và các huyện, thành phố có biện pháp chỉ đạo.

11. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng thông tin điện tử tỉnh cập nhật và đưa thông tin thường xuyên, kịp thời về diễn biến của mưa, lũ và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để Nhân dân chủ động phòng tránh.

12. Tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên đi kiểm tra tại cơ sở, phát hiện nơi có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, có giải pháp triển khai ngay tại cơ sở; thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer