Làm sao để phục hồi khủng hoảng tâm lý do dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã tác động tới mọi mặt đời sống xã hội tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có tâm lý của người dân. Vậy đại dịch này đã tác động tới tâm lý của mỗi người ra sao và làm sao để mỗi người có thể phục hồi khủng hoảng về tâm lý sau đại dịch, dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia.
25/10/2021 16:47

Theo các chuyên gia tâm lý, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến tâm lý của người mắc bệnh và cả người không mắc bệnh, tùy vào "sức đề kháng tâm lý" của mỗi người sẽ quyết định thời gian kết thúc cơn khủng hoảng nhanh hay chậm. Tuy nhiên, việc chủ động chuẩn bị và xây dựng cách ứng phó với khủng hoảng là điều hết sức cần thiết.

Trong đó, gia đình là yếu tố quan trọng giúp người bị sang chấn vượt qua khủng hoảng. Với những trường hợp đã mắc và khỏi COVID-19, gia đình cần quan tâm, yêu thương và ở bên cạnh chia sẻ, động viên người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chủ động và mở rộng việc kết nối với các mối quan hệ xung quanh, kết nối với bạn bè.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo TS Trì Thị Minh Thúy, giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM): Khi trải qua sang chấn tâm lý, người bệnh có khuynh hướng rút lui khỏi những hoạt động xã hội và không muốn gặp gỡ bạn bè. Suy nghĩ này là sai lầm, cần phải làm ngược lại, tăng cường kết nối với người khác để giúp lấy lại năng lượng, kích hoạt hệ miễn dịch, giúp mau hồi phục tinh thần. Người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh phải đối mặt các khủng hoảng tâm lý của rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lý (PTSD) như: gặp ác mộng, có những hồi tưởng và ký ức khó chịu, dễ giật mình, dễ bị kích động; hoặc tâm trạng tiêu cực kéo dài như sợ hãi, nghi ngờ, xấu hổ và né tránh những gì liên quan đến bệnh viện.

Không ít người không mắc COVID-19 nhưng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch như: mất việc làm, mất người thân, cuộc sống bấp bênh, cách ly xã hội, cô lập, căng thẳng trong tương quan vợ chồng, áp lực trong việc chăm sóc con cái..., từ đó có thể có các triệu chứng lo âu, trầm buồn, căng thẳng, tức giận, chán nản, cảm thấy bất lực, có ý định tự sát...

Theo TS Thúy, mỗi người nên dành khoảng 15-30 phút trong ngày để lắng nghe những gì đang diễn ra bên trong mình, nhất là khi thấy mình có những cảm xúc khó chịu hoặc không ổn. Đừng chối bỏ hay đè nén, hãy đón nhận cảm xúc tiêu cực và gọi tên chúng, điều này sẽ giúp cho tiến trình hồi phục nhanh hơn. Mọi người hãy kiên nhẫn và cho phép tiến trình chữa lành được diễn ra cách tiệm tiến. Đừng làm áp lực với bản thân phải mau chóng hồi phục.

ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng - Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, theo kết quả nghiên cứu trên 230.000 hồ sơ sức khỏe của những bệnh nhân tại Mỹ được công bố trên tạp chí y khoa Medscape Medical News, có tới 1/3 số người khỏi COVID-19 mắc bệnh tâm thần hoặc thần kinh như rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, lạm dụng chất gây nghiện và mất ngủ. Do đó, theo Ths Nguyễn Thị Thanh Tùng, các vấn đề sức khỏe tâm thần nếu không được can thiệp sớm sẽ ngày càng trầm trọng và để lại di chứng lâu dài, thậm chí dẫn tới nhiều vấn đề không mong muốn. Vì vậy, với những người F0 đã khỏi bệnh nhưng gặp phải những vấn đề về tâm lý thì cần phải được quan tâm hỗ trợ bằng các phương pháp trị liệu tâm lý.

Bên cạnh đó, những người bị ảnh hưởng về tâm lý cần tránh tiếp xúc với các tin tức độc hại, tin xấu về COVID-19. Tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe. Tập yoga hoặc thiền hay chánh niệm cũng là phương pháp hữu hiệu. Tránh xa rượu, bia và chất kích thích. Tạo các mối quan hệ với những người thân trong gia đình, bạn bè hay các tổ chức, cá nhân... có thể hỗ trợ mình trong những trường hợp cần thiết. Tìm các thú vui giải trí, tiêu khiển thích hợp với bản thân... là những cách giúp người bị PTSD giảm thiểu những lo âu, căng thẳng về sức khỏe.

Ngoài ra, khi trải qua sự kiện đau thương như đại dịch COVID-19, nhiều người thấy mình không thể kiểm soát được mọi thứ, họ dễ có cảm giác bất lực. Để có thể vượt qua cảm giác này nên có những hành động tích cực và cụ thể như: giúp người khó khăn hơn mình, đi hiến máu nhân đạo, đóng góp vào quỹ từ thiện, thăm hỏi hàng xóm... để cảm nhận được giá trị của bản thân.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Còn theo TS Nguyễn Thị Thanh Tú - Khoa Tâm lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, trong những lúc nguy khó, người Việt Nam vẫn có sức bật rất cao, khó khăn mấy cũng vượt qua được. Bên trong mỗi người Việt luôn có khả năng tự phục hồi tinh thần, sức bật tinh thần, còn được gọi là chất miễn dịch "tinh thần Việt".

Và để người bệnh sớm phục hồi tâm lý sau khi mắc COVID-19, trước hết người bệnh cần phải có những suy nghĩ tích cực, hướng tới những điều vui vẻ trong cuộc sống, tránh đọc các tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, có thể tham gia các hoạt động xã hội như "F0 khỏi bệnh hỗ trợ F0" tại các bệnh viện cũng là một cách người bệnh giảm bớt những lo âu và căng thẳng không cần thiết, "nạp" thêm năng lượng sống tích cực.

Ngoài ra, gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hồi phục cho người F0. Sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương, động viên, chăm sóc của các thành viên trong gia đình sẽ là liều "vaccine tinh thần" hiệu nghiệm giúp F0 nhanh chóng trở lại tâm lý ổn định.

Bên cạnh đó, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, các F0 bên cạnh việc suy nghĩ lạc quan thì cần quan tâm chăm sóc sức khỏe đúng mức. Nên cố gắng ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt lành mạnh (ngủ đủ giấc, tập thể dục hằng ngày với các động tác phù hợp).

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer