Làm cách nào để giảm tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với trẻ em?

Các chuyên gia cho rằng dưới tác động của đại dịch trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn và lâu dài. Các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều là trẻ bị cách ly, trẻ chậm phát triển và trẻ trong gia đình khó khăn về kinh tế. Để giảm thiểu những tác động, trẻ cần được sự hỗ trợ cả trong và sau đại dịch.
22/09/2021 19:35

Ngày 22/9, tại Hội nghị chuyên đề về “Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ em do tác động của dịch bệnh COVID-19” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần kiện toàn đội ngũ tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ học sinh cả trong và sau đại dịch.

Theo Nghiên cứu sinh Lê Huỳnh Thị Cẩm Hồng, chuyên ngành khoa học sức khoẻ Đại học Queensland, Úc, chỉ khoảng 5% đối tượng mắc COVID là trẻ em, cũng như chỉ có 4% gia đình nhiễm COVID-19 có nguồn lây từ trẻ em. Trong khi 96% nguồn lây còn lại từ những người trưởng thành trong gia đình. Trẻ em cũng là đối tượng ít có khả năng nhiễm và tử vong vì virus.

Tuy nhiên, gần đây tỷ lệ trẻ em mắc bệnh có xu hướng tăng lên khi tỷ lệ bao phủ vacxin ở người trưởng thành tăng lên. Hiện, nhiều ổ dịch được phát hiện ở Úc có xu hướng xuất phát từ trường học. Nghiên cứu sinh Lê Huỳnh Thị Cẩm Hồng cho rằng: "Chúng ta không nên chủ quan với các tỷ lệ thấp mà cần quan tâm chăm sóc để làm sao bảo vệ trẻ. Trẻ thường có thói quen rửa tay vội vàng, đưa đồ chơi, vật dụng lên miệng. Chúng ta có thể yêu cầu trẻ hát bài hát ngắn trong lúc rửa tay để trẻ tập trung vào hoạt động rửa tay của mình một cách vui vẻ".

CSSKTE

Các chuyên gia cho rằng dưới tác động của đại dịch trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn và lâu dài. Các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều là trẻ bị cách ly, trẻ chậm phát triển và trẻ trong gia đình khó khăn về kinh tế. Để giảm thiểu những tác động, trẻ cần được sự hỗ trợ cả trong và sau đại dịch. Tiến sĩ Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục sức khoẻ tâm lý y học, Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng Khoa Tâm lý Lâm sàn Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Thành phố Thủ Đức, cho rằng: "Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên; trẻ nhỏ có khuynh hướng thoái lùi, bám mẹ nhiều hơn, trẻ lớn có khuynh hướng tập trung vào những khó khăn của dịch, như thường cáu kỉnh, bất an, lo lắng đến sự chia ly. Trẻ em phải thay đổi cách học, phải ở lâu trong nhà, trong khi đây là tuổi tương tác. Đồng thời, thể chất các em cũng bị ảnh hưởng do không được vận động nhiều, trong khi việc vận động thể chất giúp tiêu tốn năng lượng dư thừa và những trạng thái tâm thần tiêu cực. Khi ở nhà nhiều, tiếp cận phương tiện internet nhiều thì dễ đối diện với nguy cơ bắt nạt trực tuyến".

Do vậy, vai trò của giáo viên, nhà tâm lý phải hướng dẫn cha mẹ tương tác với trẻ, hướng dẫn cho trẻ, tập cho trẻ các hoạt động, thói quen vệ sinh và bảo vệ mình. Cần phải có kế hoạch học tập tại nhà nghiêm túc, tương tác với bạn học nhưng phải có sự giám sát của người lớn. Các cơ quan chức năng nhà trường cần có chiến dịch tuyên truyền về sức khỏe tâm thần cho phụ huynh và học sinh.

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị trường học cần có những kế hoạch cụ thể trong tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh. Phó Giám đốc Sở khẳng định đây là một trong những nội dung quan trọng của năm học: "Các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thủ trưởng các đơn vị phải chỉ đạo sâu sát để kiện toàn đội ngũ tổ tư vấn tâm lý. Kiện toàn để giúp tổ tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả nhất trong thời điểm quan trọng này. Làm sao giúp cho học sinh vượt qua được các sang chấn tâm lý nếu có. Các đơn vị cần sẵn sàng tâm thế, nắm bắt tình hình diễn ra ở các đơn vị để có những kế hoạch trở lại hoạt động dạy học bình thường mới".

Thu Trang

comment Bình luận

largeer