Lào Cai triển khai công tác tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi

UBND tỉnh Lào Cai ban hành công văn số 3931/UBND-NLNN về việc triển khai công tác tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi.
11/08/2023 10:58

Thực hiện văn bản số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) về việc sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau khi giao Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu, đề xuất tại Văn bản số: 1644/SNNTY ngày 9/8/2023. Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến, chỉ đạo như sau:

Công tác triển khai giám sát sử dụng vaccine phòng bệnh DTLCP NAVET-ASFVAC năm 2022

Năm 2022, Cục Thú y có Văn bản số 1060/TY-DT ngày 12/7/2022 về việc giám sát sử dụng vaccine phòng bệnh DTLCP NAVET-ASFVAC, Tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, kết quả cụ thể như sau:

- Ngày 5/8/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Thú y Vùng I, Công ty Navetco tổ chức kiểm tra, đánh giá các điều kiện và đã lựa chọn 40 con lợn khỏe mạnh trong đàn có độ tuổi từ 8-10 tuần tại trang trại lợn Anh Nguyên, huyện Bắc Hà để tiêm phòng vaccine DTLCP NAVET-ASFVAC. Tuy nhiên, đến ngày 14/8/2022 một số con trong đàn có biểu hiện ốm bỏ ăn, sốt cao, viêm phổi, sưng khớp chân. Từ ngày 15/8- 12/9/2022, đã có tổng số 20/40 con có biểu hiện bỏ ăn, sốt cao, sưng khớp chân, ho, khó thở ốm, yếu, chết phải tiêu hủy; kiểm tra, mổ khám lấy mẫu gửi xét nghiệm theo quy định.

- Ngày 5/9/2022, tiếp tục tổ chức kiểm tra, lựa chọn tiến hành tiêm phòng nhắc lại mũi 2 cho 14 con lợn khỏe mạnh. Số lợn sau khi tiêm phòng mũi 2, đàn lợn phát triển bình thường và có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể.

Ảnh minh họa: Dân Việt

Ảnh minh họa: Dân Việt

Kết quả đánh giá về chuyên môn

Căn cứ vào kết quả tiêm phòng giám sát, theo dõi và Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm, bước đầu có những đánh giá sau:

- Vaccine NAVET-ASFVAC không gây hiện tượng phản ứng quá mẫn ngay sau khi tiêm (đến ngày thứ 9 sau tiêm mũi 1 đàn lợn khỏe mạnh bình thường); nhưng đến ngày thứ 10 sau khi tiêm một số con có biểu hiện ốm.

- Không phát sinh bệnh DTLCP sau khi tiêm phòng, không có hiện tượng lây lan dịch trong cùng trang trại. Đàn lợn tiêm phòng tuy có mẫu dương tính với virus tai xanh và virus PCV-2, nhưng không xuất hiện biểu hiện lâm sàng trên đàn lợn của cả trang trại.

- Trang trại nuôi lợn theo hình thức hữu cơ, dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn không cân đối, sau khi điều chỉnh khẩu phần thức ăn, kết hợp với bổ sung vitamin và kháng sinh, đàn lợn dần hồi phục.

- Trong tổng số 40 con lợn được lựa chọn tiêm phòng vaccine, có 20/40 con bị ốm, chết và phải tiêu hủy; trong 20 con còn sống, có 14 con được tiêm phòng nhắc lại mũi 2, lợn phát triển khỏe mạnh và có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể.

Việc triển khai thực hiện tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, virus DTLCP vẫn đang còn lưu hành trong môi trường, bệnh DTLCP vẫn xảy ra rải rác; mầm bệnh Tai xanh, Suyễn, Lép tô, PCV-2… lưu hành và tồn tại trong môi trường; nhiều đàn lợn, tuy chưa có biểu hiện lâm sàng nhưng tiềm ẩn bùng phát dịch khi gặp điều kiện bất lợi.

Vaccine DTLCP NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE đã được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y và được phép bán thương mại sử dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước. Đây là vaccine mới được nghiên cứu, sản xuất, rất cần có thêm những thử nghiệm, đánh giá qua các đợt tiêm phòng giám sát thực địa ở các giống lợn, phương thức chăn nuôi và các địa bàn khác nhau của tỉnh, sau đó mới sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh.

Do đó, việc triển khai tiêm phòng 2 loại vaccine DTLCP NAVETASFVAC và AVAC ASF LIVE trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới cần thực hiện thận trọng, chắc chắn ở quy mô, số lượng nhỏ. Trước mắt, chỉ nên thực hiện ở các trang trại/cơ sở chăn nuôi tập trung, nơi đáp ứng được các yêu cầu các điều kiện như: Kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine khác; chưa từng xảy ra bệnh DTLCP; không có bệnh nền (mạn tính); định kỳ vệ sinh khử trùng tiêu độc; tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine…

Căn cứ vào kết quả triển khai tiêm phòng giám sát và các điều kiện thực tế chăn nuôi tại địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi biết về những nghiên cứu, thành công, kết quả bước đầu đã đạt được của vaccine DTLCP, cũng như những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm phòng.

- Thông tin đến chủ trang trại/cơ sở chăn nuôi tự nguyện đăng ký mua vaccine DTLCP và tiêm phòng qua cơ quan chuyên môn cấp huyện, tự đầu tư kinh phí mua vaccine, chịu mọi chi phí, tổn thất, rủi ro (nếu có). Trong quá trình tiêm phòng cần có sự giám sát của cơ quan thú y. Trường hợp sau khi tiêm phòng vaccine DTLCP nếu xảy ra sự cố, rủi ro không mong muốn cần thông báo kịp thời cho cơ quan thú y thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý dịch bệnh theo quy định. Thực hiện việc lấy mẫu giám sát, đánh giá sau tiêm phòng vaccine DTLCP theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác định các điều kiện của trang trại/cơ sở chăn nuôi trước khi tiến hành triển khai tiêm phòng. Nếu trang trại/cơ sở chăn nuôi đáng ứng được các yêu cầu, điều kiện hướng dẫn người chăn nuôi mua, cung ứng vaccine và thực hiện giám sát, theo dõi tiêm phòng.

- Cơ quan Thú y cấp huyện chủ trì phối hợp với các phòng, ban liên quan cấp huyện và UBND cấp xã tiến hành tiêm phòng, theo dõi, giám sát, lấy mẫu, đánh giá sau tiêm phòng; tham mưu kịp thời cho UBND cấp huyện chỉ đạo, xử lý, ứng phó nếu có sự cố xảy ra trong quá trình tiêm phòng theo quy định.

- Xem xét bổ sung cấp kinh phí hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, khảo sát, đánh giá, giám sát tiêm phòng, xét nghiệm mẫu đánh giá chất lượng vaccine; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả, đồng thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp.

- Trường hợp lợn chết do tiêm phòng vaccine phòng bệnh DTLCP, ngân sách cấp huyện nghiên cứu, cân đối hỗ trợ người chăn nuôi từ nguồn dự phòng ngân sách của địa phương.

Sở Nông nghiệp và PTNT

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời xử lý khoanh vùng dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng nếu dịch xảy ra. Tham mưu, đề xuất kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai, thực hiện tiêm phòng vaccine DTLCP đảm bảo an toàn, hiệu quả, chắc chắn; có phương án xử lý, ứng phó hạn chế thấp nhất những sự cố, rủi do không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình tiêm phòng; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

Hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị, phòng ban liên quan cấp huyện, UBND cấp xã trong việc kiểm tra, đánh giá, lựa chọn các trang trại/cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu, kiều kiện để tiến hành triển khai tiêm phòng, giám sát theo dõi sau tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý sự cố sau khi tiêm phòng (nếu có).

Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch; tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm để giám sát, đánh giá chất lượng sau tiêm phòng vắc xin DTLCP; tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả…

Sở Tài chính, Khoa học và Công nghệ

- Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất kinh phí bổ sung cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP khi cần thiết.

- Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ vào chức năng nghiệm vụ của đơn vị phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phường trong việc nghiên cứu, đánh giá chất lượng, hiệu quả vaccine.

Đăng Khải

comment Bình luận

largeer