Lịch sử và ý nghĩa ra đời Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022

Ngày môi trường thế giới (World Environment Day) 5/6 là ngày nhân dân trên toàn thế giới cùng tham gia các hoạt động khác nhau do UNEP tổ chức để bảo vệ môi trường và chăm sóc cho Trái Đất của chúng ta. Trong ngày này, mọi người sẽ nhận được thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gồm các vấn đề về môi trường và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới.
05/06/2022 07:24

Ngày môi trường thế giới là gì?

Ngày môi trường thế giới, tên tiếng anh là World Environment Day. Đây là ngày nhân dân trên toàn thế giới cùng tham gia các hoạt động khác nhau do UNEP tổ chức để bảo vệ môi trường và "chăm sóc" cho Trái Đất của chúng ta.

Trong ngày này, mọi người sẽ nhận được thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gồm các vấn đề về môi trường và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức, chính phủ tham gia ký kết các hiệp ước về môi trường.

Các hoạt động mọi người có thể tham gia vào ngày này như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, hoà nhạc xanh, thi viết, thi vẽ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, chiến dịch trồng cây xanh, tái chế rác thải…

Mục đích của Ngày môi trường thế giới là hướng toàn thế giới đến tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lịch sử ra đời Ngày môi trường thế giới

Tại Hội nghị về Con người & Môi trường tại thủ đô Stockholm ở Thuỵ Điển diễn ra từ ngày 5 – 6/6/1972, Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 kể từ năm 1972 là Ngày môi trường thế giới. Sự kiện này được giao cho UNEP có trụ sở tại Kenya tổ chức. Sau khi được phát động, đã có 143 quốc gia hưởng ứng và tham gia vào sự kiện này. Đây là kết qủa đầu tiên đánh dấu những nỗ lực của toàn thể nhân loại về việc giải quyết các vấn đề môi trường nóng bỏng lúc bấy giờ.

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc sẽ lựa chọn 1 thành phố để tổ chức Ngày môi trường thế giới. Chính phủ và nước chủ nhà sẽ phối hợp với UNEP để cùng tổ chức sự kiện này.  Chủ đề mỗi năm cũng không giống nhau. Các chủ đề, logo, khẩu hiệu sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền và các hoạt động cổ động trên toàn thế giới.

Để khuyến kích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường hơn, Liên Hợp Quốc còn phát động lễ trao giải thưởng Global 500 cho những người đóng góp nhiều nhất cho hoạt động bảo vệ môi trường. Giải thưởng này sẽ được tổ chức ngay tại thành phố được chọn làm lễ kỷ niệm. Sự kiện này được tổ chức từ năm 1987.

Ngày môi trường thế giới đã khiến các vấn đề môi trường trở nên nhân văn hơn. Đồng thời, trao quyền cho mọi người trở thành tác nhân tích cực của sự phát triển bền vững, bình đẳng. Ngoài ra còn nâng cao hiểu biết của mọi người, từ đó thay đổi hành vi của người dân.

Việt Nam tham gia Ngày môi trường thế giới từ năm nào?

Việt Nam tham gia Ngày môi trường thế giới từ năm 1982. Vào ngày này hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan để phát động lễ kỷ niệm.

Các hoạt động mà Việt Nam tổ chức có thể kể đến như chiến dịch làm sạch môi trường làm việc, môi trường sống… Đồng thời, Việt Nam cũng thường xuyên thay đổi địa điểm tổ chức các hoạt động trọng tâm cho cả nước.

Qua tìm hiểu, lễ kỷ niệm ở Việt Nam thường có sự tham gia của tất cả các tầng lớp khác nhau từ Chính phủ, cơ quan, tổ chức quốc tế, Đại sứ quán đến sinh viên, học sinh và các tầng lớp xã hội khác.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer