Loại chất béo có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ

Ngoài việc mắc một số bệnh lý như béo phì, tiểu đường và ung thư, tiêu thụ quá nhiều chất béo có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu, gây tắc nghẽn động mạch và góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy vậy, các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện loại chất béo (chứ không phải số lượng tiêu thụ) mới chính là “thủ phạm” gây đột quỵ.
18/07/2022 11:51

Tuy tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm trong 4 thập kỷ qua, nhưng nó vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật thể chất và để lại tổn thương não bộ lâu dài. Việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ trải qua biến cố tim mạch nguy hiểm này. Nhìn chung, một chế độ ăn giúp giảm nguy cơ đột quỵ thường bao gồm việc tiêu thụ các thực phẩm giàu chất xơ, rau quả, các loại hạt, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm, đồng thời hạn chế ăn tinh bột - đường, muối và thịt đỏ (bò, cừu, dê, heo). Gần đây, các chuyên gia nhận thấy việc tiêu thụ một số loại chất béo và tổng lượng chất béo dung nạp vào cơ thể có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ nói chung. Tuy nhiều nghiên cứu đã điều tra mối liên quan giữa loại chất béo và nguy cơ đột quỵ, nhưng có rất ít nghiên cứu xoáy sâu vào loại chất béo và các nguồn thực phẩm cung cấp chất béo khác nhau có tác động ra sao đến việc tăng nguy cơ đột quỵ.

Dầu thực vật được đánh giá là loại chất béo lành mạnh cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Dầu thực vật được đánh giá là loại chất béo lành mạnh cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Trong nghiên cứu mới công bố, các chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng TH Chan thuộc Đại học Harvard đã điều tra mối liên hệ giữa những loại chất béo khác nhau và nguy cơ đột quỵ, bằng cách phân tích dữ liệu sức khỏe và lối sống của gần 120.000 người có tuổi trung bình là 50, từng tham gia vào 2 nghiên cứu về dinh dưỡng kéo dài nhất tại Mỹ trước đó. Trong thời gian 27 năm theo dõi, có 6.189 người bị đột quỵ.

Đầu tiên, khi phân tích mối liên hệ giữa loại chất béo và nguy cơ đột quỵ, nhóm nghiên cứu phát hiện việc tiêu thụ nhiều chất béo động vật (không bao gồm chất béo từ sữa) có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ. Trái lại, việc tiêu thụ nhiều chất béo thực vật có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ. Cụ thể, những người dung nạp chất béo từ thực vật nhiều nhất có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 12% so với những người dung nạp chất béo thực vật ít nhất. Trong khi đó, những người ăn nhiều chất béo động vật nhất có nguy cơ đột quỵ cao hơn 16% so với những người ăn loại chất béo này ít nhất.

Còn khi rà soát mối liên hệ giữa loại chất béo đến từ các nguồn thực phẩm khác nhau và nguy cơ đột quỵ, các tác giả phát hiện việc tiêu thụ thịt đỏ và thịt đỏ chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, trong khi dung nạp các loại dầu thực vật (như dầu đậu nành, dầu ôliu, dầu hạt hướng dương) giúp làm giảm nguy cơ này. “Phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng loại chất béo và các nguồn thực phẩm cung cấp chất béo khác nhau quan trọng hơn tổng lượng chất béo dung nạp vào cơ thể trong việc giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, bao gồm cả đột quỵ”, tác giả chính Fenglei Wang nhận xét.

Theo Healthline

comment Bình luận

largeer