Lợi ích của ngân hàng huyết thanh trong phòng, chống dịch bệnh

Mục tiêu của việc điều tra huyết thanh là theo dõi mức độ miễn dịch trong cộng đồng đối với một tác nhân gây bệnh nào đó nhằm cung cấp những dữ liệu khoa học giúp đề ra các chính sách y tế phù hợp ví dụ như chính sách tiêm chủng hay ứng phó với một dịch bệnh mới nổi.
17/08/2023 09:47

Việc thiết lập ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao cho người dân thuộc một vùng lãnh thổ (quận, huyện, tỉnh thành, quốc gia, khu vực) cần khảo sát là mấu chốt nhằm đảm bảo công việc điều tra huyết thanh có độ tin cậy và chính xác cao.

Từ lâu các nước trên thế giới đã tiến hành xây dựng ngân hàng huyết thanh và các chương trình điều tra dịch tễ huyết thanh học tương ứng. Ví dụ tại Anh, ngân hàng huyết thanh được thành lập vào năm 1986. Đến nay đã thu nhận trên 200 ngàn mẫu huyết thanh từ người dân Anh ở các độ tuổi khác nhau. Thông qua đó các kết quả điều tra huyết thanh học đã cung cấp thông tin quan trọng cho việc phải tiêm vaccine bổ sung cho các nhóm dễ mắc bệnh ở Vương quốc Anh. Ngân hàng huyết thanh cũng đã được sử dụng nhằm đánh giá mức độ lây lan và miễn dịch cộng đồng của đại dịch cúm vào năm 2009 và gần nhất là đại dịch COVID-19 ở Anh. Các kết quả điều tra huyết thanh này là cơ sở khoa học nhằm góp phần định hướng chiến lược tiêm vaccine cũng như giãn cách xã hội phù hợp theo từng thời điểm khác nhau của đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, một số ngân hàng huyết thanh cũng đã được thành lập thông qua chương trình nghiên cứu điều tra dịch tễ của Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương cũng như viện Pasteur TPHCM. Trọng tâm của các chương trình giám sát này có thể kể đến như HIV, Zika virus, viêm gan siêu vi B và C, cúm A H5N1. 

img202308229065012449_17820237

Biểu đồ tỷ lệ dân số có kháng thể kháng protein S của SARS-CoV2 trong cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh phân bố theo theo nhóm tuổi

Từ năm 2009 đến nay, chương trình nghiên cứu OUCRU hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã tiến hành xây dựng ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao đối với người dân ở tất cả các độ tuổi khác nhau trên cả nước. Khởi đầu vào năm 2009 với 10 điểm thu mẫu ở các tỉnh phía nam. Với sự hỗ trợ của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương cũng như các đối tác trong nước, hiện nay ngân hàng huyết thanh của OUCRU đã mở rộng ra 20 điểm thu mẫu trên cả nước với tần suất thu mẫu mỗi 4 tháng một lần. Các kết quả thu được từ ngân hàng huyết thanh có thể kể đến đó là việc điều tra huyết thanh về bệnh uốn ván (1), bệnh sởi (2), chikungunya (3) và gần nhất là dịch bệnh COVID-19 (4). 

Nghiên cứu về bệnh sởi cho thấy việc suy giảm miễn dịch cộng đồng lý giải nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh sởi bùng phát ở nước ta vào năm 2014. Gần nhất là trong chương trình hợp tác giữa HCDC - Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và OUCRU, một điều tra huyết thanh cằt ngang cho thấy vào tháng 9 năm 2022 hơn 98% người dân Thành phố có kháng thể phòng ngừa COVID-19. Kết quả này đã cung cấp bằng chứng thực tế về hiệu quả của vaccine COVID-19 trong tạo đáp ứng miễn dịch cộng đồng, củng cố lòng tin của người dân là nền tảng để Sở Y tế TPHCM tiếp tục kêu gọi người dân chung tay bảo vệ cộng đồng bằng cách tiếp tục cho người thân trong gia đình đi tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu chưa tiêm, và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.

Thực tiễn cho thấy thiết lập một ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao cho toàn bộ người dân trong một khu vực, một thành phố là cần thiết cho phép khảo sát tình trạng miễn dịch cộng đồng với với các tác nhân gây bệnh, góp phần cung cấp những dữ liệu khoa học nhằm (i) Đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, (ii) Đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, (iii) Dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, (iv) Khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.

PGS.TS Lê Văn Tấn, Oxford University Clinical Research Unit Viet Nam

comment Bình luận

largeer