Long An tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại

UBND tỉnh Long An có văn bản yêu cầu các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.
20/05/2023 08:53

 Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành chức năng và các địa phương triển khai cụ thể Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại theo Quyết định số 2161/QĐ-UBND ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh Long An về việc ban hành Kế hoạch truyền thông, khử trùng tiêu độc và phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2023.

Trước tình hình nắng nóng, bệnh dại chó rất dễ xảy ra nêu không tiêm phòng theo đúng quy định

Trước tình hình nắng nóng, bệnh dại chó rất dễ xảy ra nêu không tiêm phòng theo đúng quy định

Cụ thể, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung và đề xuất bố trí đủ nguồn lực, kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống bệnh Dại; tổ chức các chiến dịch truyền thông, thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng, chống bệnh Dại và cách xử lý khi người bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin dự phòng kịp thời tránh trường hợp phòng ngừa không đúng cách, nâng cao nhận thức của người dân khi bị chó, mèo cắn.

Đẩy mạnh giám sát, chủ động, kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, phát hiện các ca bệnh Dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư, có sự phối hợp chặt chẽ của ngành thú y và y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, phương châm "phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa".

Tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh Dại tại các địa phương. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ. Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y, y tế dự phòng để nâng cao kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh Dại. Phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan chuyên môn căn cứ nội dung Kế hoạch của địa phương thực hiện, đảm bảo chủ động các nhiệm vụ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật. Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Cao Ánh

comment Bình luận

largeer