Lý giải vì sao một người rất hay bị chó cắn

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia từ Đại học Liverpool đứng đầu là nhà dịch tễ học Carri Westgarth đã tiến hành nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu những đặc điểm nào khiến con người thường xuyên hoặc ít bị chó cắn, được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng.
19/11/2020 13:33

"Ví dụ, mới thứ ba tuần trước thôi, tôi đang vội xuống phố vì muộn giờ hẹn ăn trưa. Vừa đi qua một phụ nữ đang dắt con chó béc-giê thì con chó này bỗng lao tới cắn chân tôi", chàng trai trong độ tuổi 20 tiếp tục than phiền với tiến sĩ Stanley Coren, giáo sư khoa Tâm lý Đại học British Columbia (Canada). "May mắn, vết thương không quá tệ, chỉ chảy máu một chút. Người phụ nữ xin lỗi, nói rằng đã nuôi con chó này hai năm rưỡi và nó chưa từng hung dữ như vậy với ai cho đến lúc gặp tôi".

Trong lúc lắng nghe vị khách trẻ, tiến sĩ Stanley Coren quan sát ngôn ngữ cơ thể của anh ta. Chuyên gia tâm lý nhận thấy chàng trai vừa nói chuyện vừa tự xoa má và vuốt tóc. Anh này cũng chớp mắt nhiều hơn người bình thường, hay bặm môi, nắm chặt tay, liên tục đổ người từ bên này sang bên kia. Đó đều là những dấu hiệu không lời của sự lo âu, căng thẳng và điều khiến tiến sĩ Coren thắc mắc là tại sao chúng cùng lúc xuất hiện ở chàng trai.

cho can

Hình minh họa.

"Nhiều nhà tâm lý học lâm sàng tin rằng nếu một cá nhân biểu hiện quá nhiều hành vi gắn với cảm xúc trong thời gian dài, đó có thể là đặc điểm tính cách của họ chứ không đơn thuần là phản ứng với tình huống tức thời", tiến sĩ Coren lý giải. "Ý tưởng lóe lên trong đầu tôi lúc đó là anh ta không lo lắng vì sợ chó cắn mà có thể đang gặp vấn đề tâm lý".

Tiến sĩ Coren cho rằng kết luận của ông một phần đến từ nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng. Nghiên cứu do nhóm chuyên gia từ Đại học Liverpool tiến hành, đứng đầu là nhà dịch tễ học Carri Westgarth, nhằm mục đích tìm hiểu hiện tượng bị chó cắn có phổ biến hay không và những đặc điểm nào khiến con người thường xuyên hoặc ít bị cắn.

Từ dữ liệu do gần 700 người dân ở Cheshire (Anh) cung cấp, nhóm nghiên cứu nhận thấy bị chó cắn không phải là hiện tượng phổ biến, tỷ lệ chỉ khoảng 19 vụ trên 1.000 người mỗi năm và rất ít trong số này cần can thiệp y tế. Thông thường, con chó tấn công không quen biết người bị cắn.

Nhóm nghiên cứu phát hiện một số đặc điểm cá nhân liên quan khả năng bị chó cắn. Ví dụ, trẻ em dưới 15 tuổi có nguy cơ cao nhất và chiếm 44% số vụ bị chó cắn và đàn ông hay bị cắn gần gấp đôi so với phụ nữ. Đặc biệt, kết quả bài test tính cách của các tình nguyện viên tham gia khảo sát cho thấy người tâm lý bất ổn dễ bị chó cắn hơn 22% so với người có cảm xúc ổn định.

Theo tiến sĩ Coren, một người có tâm lý bất ổn hay được mô tả là bị bao quanh bởi sự bất an, nỗi sợ, tự ti và lo lắng. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra người tâm lý bất ổn hay gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần nặng hơn những người khác, từ lạm dụng chất gây nghiện đến rối loạn lo âu. Về mặt thể chất, họ có nguy cơ cao bị hen suyễn, bệnh tim mạch, hội chứng ruột kích thích.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Liverpool chưa giải thích được vì sao người tâm lý bất ổn lại hay bị chó cắn. Tiến sĩ Coren thì cho rằng sự lo lắng, bất an của nhóm đối tượng này khiến cơ thể họ phát ra các pheromones (phân tử mùi có ý nghĩa sinh học). "Một số pheromones giúp chó bình tĩnh hơn những không loại trừ khả năng cũng có những pheromones khiến loài vật này hung hăng hơn", ông phân tích.

Bên cạnh đó, người tâm lý bất ổn cũng có thể có một số hành vi khiến chó chú ý họ hơn. Khi lo lắng, con người sẽ biểu hiện ra bên ngoài, giống như chàng trai tìm đến tiến sĩ Coren và chó là bậc thầy về đọc ngôn ngữ cơ thể.

Chưa kể, cảm xúc có thể lây lan. Nhìn một người đang bất an và sợ hãi, chúng ta dễ bị khó chịu theo. "Có khả năng chó cũng cảm nhận được điều tương tự và sự khó chịu ấy khiến chúng tấn công", tiến sĩ Coren nói. "Những người tâm lý bất ổn trở thành mục tiêu bị cắn chỉ vì họ khiến những con chó ở gần không thoải mái".

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer